Ngay trong những ngày cả nước đang cùng nhau đón Xuân mới thì tại các phi trường, nhiều nhóm lao động Việt Nam vẫn làm thủ tục xuất cảnh để đến nhiều nước khác nhau làm việc. Điều đó cho thấy hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn nhộn nhịp ngay từ những ngày đầu năm 2019 sau một năm 2018 thành công ngoài mong đợi.
Nhật Bản, Đài Loan tìm cách thu hút lao động Việt
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2018, cả nước có 142.860 lao động đi làm việc tại nước ngoài, vượt 30% so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, 2018 cũng là năm đầu tiên thị trường Nhật Bản vượt qua Đài Loan - Trung Quốc để trở thành thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất với gần 69.000 người. Tiếp đó là các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi, Romania…
Dự báo về thị trường xuất khẩu lao động, Cục trưởng Dolab Tống Hải Nam cho rằng năm 2019, số lượng lao động sang Nhật Bản làm việc sẽ còn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa khi dự luật mới về lao động nước ngoài có hiệu lực từ tháng 4-2019.
Với dự luật này, trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ tiếp nhận khoảng 345.000 lao động nước ngoài làm việc trong những ngành nghề là thế mạnh của lao động Việt Nam như: nông nghiệp, chế biến thực phẩm, khách sạn, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện - điện tử - thông tin, bảo dưỡng - sửa chữa ôtô và hàng không…
Đây là những công việc khá thuận lợi cho lao động Việt Nam đi kèm mức thu nhập hấp dẫn sẽ khiến lượng lao động đến Nhật tăng mạnh trong thời gian tới.
Thị trường Đài Loan cũng có những chính sách cởi mở hơn với lao động nước ngoài. Đại diện Dolab cho biết trước đây, những lao động nước ngoài làm việc tại Đài Loan hết 3 năm hợp đồng phải về nước gia hạn, sau đó mới có cơ hội ở lại đây thêm 2 năm tiếp theo.
Nhưng Luật Dịch vụ việc làm (sửa đổi) của Đài Loan hiện nay đã cho phép lao động nước ngoài gia hạn hợp đồng tại chỗ với thời gian có thể kéo dài 12-14 năm. Đây là cơ hội tốt cho hơn 220.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan và những lao động đang có nhu cầu sang Đài Loan làm việc.
Các học viên của IET nhận chứng chỉ B2 tiếng Đức - giấy thông hành quan trọng để đến Đức làm việc
Công việc tốt, lương cao
Những tín hiệu tốt trong lĩnh vực XKLĐ còn được kéo dài với bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động được ký vào cuối năm 2018 trong khuôn khổ chuyến thăm của Bộ LĐ-TB-XH tại các nước châu Âu. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động và an sinh xã hội với Bulgaria và Romania. Biên bản này kỳ vọng sẽ mở ra hàng trăm ngàn cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam tại châu Âu.
Thông tin từ Dolab, chỉ riêng với thị trường Bulgaria, Việt Nam có thể cung ứng 50.000 lao động ở các lĩnh vực: xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng. Do vậy, việc ký kết thỏa thuận giữa cơ quan quản lý lao động của hai nước mang tính khai mở hợp tác về lao động, bao gồm cả xuất khẩu lao động và đào tạo nghề.
Không chỉ Bulgaria, Romania cũng được đánh giá là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng trong khu vực châu Âu. Romania có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, mức lương và thu nhập của người lao động bảo đảm, chi phí trước khi đi thấp.
Một nước cũng đang thu hút mạnh nhân lực từ Việt Nam là CHLB Đức, đặc biệt là ngành điều dưỡng. Thông tin từ Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á (IET) và Công ty TNHH Vivantes - 2 đơn vị đang đào tạo và đưa điều dưỡng sang Đức - cho biết ngay từ những ngày đầu năm 2019, các đối tác Đức đã liên tục tổ chức những đợt tuyển dụng, đào tạo dành cho lao động Việt Nam để sang Đức làm việc và học tập.
Hiện mức lương mà lao động Việt Nam nhận được khi làm việc tại Đức vào khoảng 70 triệu đồng/tháng và được hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội của Đức như lao động người bản xứ.
Chú trọng chất lượng
Ông Tống Hải Nam cho biết Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, trung bình mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và 400.000 người ra khỏi tuổi lao động. Với 800.000 người bổ sung cho lực lượng lao động mỗi năm, nước ta không còn dôi dư nhiều lao động để xuất khẩu. Do đó, trong thời gian tới, XKLĐ không hướng đến số lượng mà phải là chất lượng.
Bình luận (0)