Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) vừa công bố, năm 2018, cả nước có 142.860 lao động đi làm việc tại nước ngoài, vượt ngưỡng 100.000 lao động/năm. Kết quả này cũng vượt 30% so với kế hoạch năm 2018 đề ra, tăng 0,6% so với năm 2017.
Đáng chú ý, 2018 cũng là năm đầu tiên thị trường Nhật Bản vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) để trở thành nước tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất với gần 69.000 người. Tiếp đó là các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Ả rập -Xê út, Rumani.
Nhật Bản hút lao động Việt Nam
Dự báo về thị trường xuất khẩu lao động năm 2019, Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, trong năm nay, số lượng lao động làm việc tại Nhật Bản sẽ còn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa khi dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi chính thức được Thượng viện Nhật Bản thông qua ngày 8/12 và có hiệu lực từ tháng 4/2019.
Với dự luật này, trong 5 năm tới, ước tính Nhật Bản sẽ tiếp nhận khoảng 345.000 lao động nước ngoài làm việc trong những ngành nghề là thế mạnh của Việt Nam như: nông nghiệp, chế biến thực phẩm, khách sạn, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ô tô và hàng không… Đối tượng tiếp nhận là người lao động thuộc nhiều trình độ, không còn hạn chế trong nhóm thực tập sinh thực tập kỹ năng.
Bên cạnh đó, tại thị trường Đài Loan cũng có những chính sách cởi mở hơn với những lao động nước ngoài. Ông Nam cho biết, trước đây những lao động nước ngoài làm việc tại Đài Loan hết 3 năm hợp đồng phải về nước gia hạn, sau đó mới có cơ hội ở lại đây thêm 2 năm tiếp theo. Nhưng Luật Dịch vụ việc làm (sửa đổi) của Đài Loan hiện nay đã cho phép lao động nước ngoài gia hạn hợp đồng tại chỗ với thời gian có thể kéo dài 12-14 năm. Đây là cơ hội tốt cho hơn 220.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan.
Những tín hiệu sáng của lĩnh vực xuất khẩu lao động còn đến từ bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động được ký vào cuối năm 2018.
Trong chuyến thăm châu Âu hồi tháng 11/2018, Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động và an sinh xã hội với Bungari và Romani. Biên bản này cũng sẽ mở ra hàng trăm nghìn cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam tại châu Âu.
Thông tin từ Cục Quản lý Lao động ngoài nước, chỉ riêng với thị trường Bulgaria, Việt Nam có thể cung ứng 50.000 lao động ở 6 lĩnh vực: xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng. Do vậy, việc ký kết thỏa thuận giữa Bộ Lao động hai nước mang tính khai mở hợp tác về lao động, bao gồm cả xuất khẩu lao động và đào tạo nghề.
Không chỉ Bulgari, Romania cũng được đánh giá là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng trong khu vực châu Âu. Romania có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, mức lương và thu nhập của người lao động đảm bảo, chi phí trước khi đi thấp.
Thêm cơ hội, thêm yêu cầu?
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, thị trường lao động ngoài nước cũng đặt ra không ít vấn đề cần quan tâm giải quyết, trong đó khó khăn nhất là làm sao để lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao từ phía đối tác.
Cũng theo ông Tống Hải Nam, với Luật Quản lý xuất nhập cảnh (sửa đổi) của Nhật Bản, chắc chắn thị trường này sẽ đòi hỏi ở người lao động những kỹ năng đặc biệt, có kỹ thuật cao, có một số năm kinh nghiệm. "Các thị trường không đòi hỏi khắt khe về tiêu chí tuyển dụng khó tuyển được nguồn lao động dồi dào. Nước ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, trung bình mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và 400.000 người ra khỏi tuổi lao động. Với 800.000 người bổ sung cho lực lượng lao động/năm, nước ta không còn dôi dư nhiều lao động để xuất khẩu. Do đó, mục đích hướng tới của hoạt động này không phải là số lượng mà là chất lượng", ông Nam cho biết.
Đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nhiều cam kết về lao động có hiệu lực, mở ra những cơ hội, song cũng đặt ra bài toán về nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động Việt Nam.
Bình luận (0)