Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong năm 2017, cả nước xảy ra 4.925 vụ TNLĐ làm 542 người chết và 4.942 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức tuân thủ pháp luật của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ còn thấp.
Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, khai thác thủy hải sản. Các địa phương có số vụ TNLĐ chết người nhiều nhất phải kể đến như: Bắc Ninh (14 vụ, 14 người chết), Quảng Nam (11 vụ, 11 người chết), Yên Bái (9 vụ, 9 người chết), Lai Châu (7 vụ, 7 người chết)… Ở một số địa phương, TNLĐ xảy ra đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) cao hơn so với khu vực có quan hệ lao động
Đánh giá về tình hình TNLĐ, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, thay vì bồi thường theo luật định thì không ít DN tìm cách thỏa thuận với gia đình nạn nhân, chẳng hạn như đưa ra mức đền bù 100 hay 200 triệu đồng nhằm "ém" thông tin. Liên quan đến vấn đề này, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH cũng nhìn nhận một trong những nguyên nhân khiến số liệu thống kê chưa sát với thực tế là do DN thỏa thuận, bưng bít thông tin. Khi để xảy ra tai nạn, nhiều DN (chủ yếu là DN khai thác khoáng sản, xây dựng) đã thỏa thuận đền bù cho gia đình người bị nạn hoặc điều chỉnh sai lệch hồ sơ, tính chất vụ việc, nhằm che đậy sai phạm.
Để chế tài hành vi bưng bít thông tin TNLĐ của NSDLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính, nâng mức độ xử phạt đối với những hành vi không báo cáo, che giấu thông tin về TNLĐ. Bên cạnh đó, Công đoàn các cấp cần xây dựng kế hoạch phối hợp với NSDLĐ tổ chức tốt việc đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng, ký kết, giám sát việc thực hiện thỏa ước Lao động tập thể, trong đó có các nội dung liên quan đến an toàn lao động.
Bình luận (0)