Một khảo sát mới đây của Hiệp hội Thực tập kỹ năng quốc tế Nhật Bản (OTIT) cho thấy tỉ lệ có việc làm phù hợp của thực tập sinh (TTS) khi hết hạn hợp đồng trở về nước chiếm rất cao (trên 60%). Đáng chú ý, có gần 20% TTS quyết định khởi nghiệp khi hết hạn hợp đồng về nước.
Ra đi làm thuê, trở về làm chủ
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực phái cử lao động, tỉ lệ về nước khởi nghiệp của người lao động (NLĐ) đang tăng nhanh do Việt Nam đang trong giai đoạn "vàng" của tinh thần khởi nghiệp.
Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thường dành thời gian nói chuyện với NLĐ tỉnh nhà trước khi xuất cảnh ra nước ngoài làm việc. Ngoài sự động viên NLĐ cố gắng nỗ lực học tập, làm việc, ông Hoan nhắn nhủ: "Ra đi làm thuê, trở về làm chủ". Câu nói này trở thành "thương hiệu", cũng là phương châm của hoạt động xuất khẩu lao động tại vùng đất sen hồng.
Lao động trẻ quyết tâm chinh phục kiến thức, trình độ tay nghề để tạo dựng sự nghiệp bền vững khi ra nước ngoài làm việc
Ông Hoan thường nhấn mạnh rằng nếu NLĐ chỉ muốn ra nước ngoài làm việc để kiếm tiền thì sẽ mất đi tinh thần học tập. Nếu chỉ muốn thoát nghèo, NLĐ vẫn chỉ trong tâm thế đi bán sức lao động. "Tôi muốn NLĐ trẻ thay đổi tư duy, phải ở tâm thế người làm chủ khi có ý định ra nước ngoài làm việc. Để khi trở về, cái NLĐ mang về không chỉ là khoản tiền kiếm được, mà còn là nền tảng tri thức, tinh thần, kỹ năng và thái độ làm việc tuyệt vời của nước ngoài. Tiền sẽ hết nhưng tri thức thì mãi mãi trường tồn và sẽ giúp NLĐ kiếm được số tiền gấp vạn lần số đang có" - ông Hoan phân tích. Chính vì thế, ông Hoan đặt sự tin tưởng rất lớn các bạn trẻ người Đồng Tháp quê ông sẽ biến cơ hội 3 năm, 5 năm TTS tại Nhật Bản thành những hiện thực tỏa sáng trên quê nhà với những sáng tạo, đổi mới, cải tiến để giúp bà con nông dân sản xuất những loại nông sản bán được giá cao hơn, xuất được sang các thị trường lớn trên thế giới. Ông khẳng định rằng các bạn trẻ Đồng Tháp sang nước ngoài làm việc, đặc biệt là sang Nhật Bản để học tập, nâng cao các kỹ năng để trở về làm chủ chứ không mang ý nghĩa đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) để xóa đói giảm nghèo. Ở Đồng Tháp, ra nước ngoài làm việc là đi làm thuê để về làm chủ, đó là khẩu hiệu của tỉnh nhà.
Cầu nối đầu tư nước ngoài
Hơn 16 năm làm cầu nối cho hàng chục ngàn lao động Việt sang Nhật Bản làm việc, ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group, cho rằng cái làm ông hạnh phúc nhất không phải bao nhiêu người giàu có từ việc đi XKLĐ. "Điều khiến tôi tự hào nhất là sau khi trở về, các kỹ sư, các TTS của Esuhai đã làm cầu nối cho nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đến mở nhà xưởng tại Việt Nam" - ông Sơn nói.
Ba trong hàng trăm cái tên được nhắc nhiều nhất tại Esuhai là đó chính là 3 anh em ruột Trung - Hiếu - Dũng. Là anh trai cả, Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác O.N Precision Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM), là người mở đường sang Nhật cho 2 người em của mình. "Khi đến Esuhai, tôi được nghe các thầy cô nói về cơ hội khởi nghiệp sau khi về nước. Đó là mong ước của tôi. Cái tôi cảm thấy may mắn là người Nhật rất nể trọng người giỏi và chuyên nghiệp. Vì vậy, họ đã tạo điều kiện cho tôi về quê khởi nghiệp. Họ chuyển máy móc, công nghệ và đầu tư để tôi về Việt Nam mở xưởng. Đến nay, các sản phẩm của công ty chúng tôi cung cấp cho nhiều đối tác lớn tại Việt Nam và xuất sang Nhật Bản" - anh Trung tự hào.
Cũng như người anh trai của mình, Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV V.N.T Việt Nam (Củ Chi, TP HCM) cũng đi đúng hướng. Hiếu cũng đã tạo dựng được một cơ ngơi vững chãi nhờ sự đầu tư của ông chủ cũ bên Nhật. Hiếu luôn nói mình may mắn nhưng theo phân tích của ông Lê Long Sơn, Hiếu và Trung là 2 điển hình của tinh thần khởi nghiệp có định hướng. "Thêm cả cậu em út Nguyễn Ngọc Dũng nữa. Cả 3 anh em Trung đều nuôi dưỡng ước mơ chế tạo từ khi còn ngồi trên giảng đường. Thay vì cứ đi làm rồi chờ cơ hội để làm chủ thì cả 3 anh em họ lại đến Nhật để học tập, trau dồi rồi thuyết phục được nhà đầu tư về Việt Nam mở xưởng. Đó đâu phải là may mắn, đó là ý chí, là nỗ lực không mệt mỏi của những người biết tạo thời cơ cho mình" - ông Sơn phân tích.
Ông Sơn nhấn mạnh, NLĐ phải xác định rằng 3 năm hay 5 năm ra nước ngoài làm việc không phải là đi lao động mà đó là một khóa học nghề. Nên định hướng rõ như vậy để khi ra nước ngoài, NLĐ phải nỗ lực học chứ không phải nỗ lực kiếm tiền. Nguồn vốn lớn nhất là kiến thức, kinh nghiệm, cơ hội chứ không phải tiền bạc. Ra nước ngoài làm việc không phải con đường duy nhất để kiếm tiền, đó còn là con đường tốt nhất dành cho những lao động trẻ có nhiều hoài bão, mong muốn trải nghiệm, học hỏi lối sống văn minh và kỹ thuật tiên tiến để tạo nền móng cho sự nghiệp vững chắc của mình về sau.
Thực tập sinh được hỗ trợ tiền khởi nghiệp khi về nước
Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang tuyển chọn ứng viên cho chương trình đào tạo TTS kỹ thuật tại Nhật Bản thời gian từ 3 đến 5 năm. Chỉ tiêu tuyển chọn đợt này dành cho nam với các ngành: sản xuất chế tạo, xây dựng; cho nữ là các ngành: sản xuất chế tạo, chế biến thực phẩm. Đặc biệt, TTS khi tham gia chương trình này sau khi hoàn thành chương trình về nước đúng thời hạn sẽ được Tổ chức IM Japan hỗ trợ từ 600.000 yen đối với TTS hoàn thành 3 năm và 1 triệu yen đối với TTS hoàn thành 5 năm thực tập (tương đương từ 115 - 190 triệu đồng) để khởi nghiệp. Đồng thời được nhận khoản tiền bảo hiểm hưu trí (khoảng 80 triệu đồng) sau 3 năm thực tập.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-3
Bình luận (0)