Tại hội nghị người lao động (NLĐ) Công ty Kiến Tường (may gia công quần áo xuất khẩu; thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) mới đây, tập thể công nhân (CN) rất xúc động khi nghe lời bộc bạch của ông Hồ Kiến Tường, giám đốc công ty.
Không nên áp đặt
Ông nói: “Những sự việc đáng tiếc vừa qua là do ban giám đốc thiếu quan tâm, sâu sát anh em CN. Tôi nhận hết trách nhiệm về mình và xin lỗi anh chị em. Hy vọng sau hội nghị này, mọi chuyện sẽ tốt hơn”. Và để chứng minh cho thiện chí ấy, ngay sau hội nghị NLĐ, ông Tường và Công đoàn (CĐ) cơ sở đã ký thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản tiến bộ, tạo hứng khởi cho tập thể CN.
Đi vào hoạt động từ năm 2010, Công ty Kiến Tường được đánh giá là một trong những doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho CN. Mới đây, một khách hàng lớn ở nước ngoài yêu cầu công ty phải cải tổ cách điều hành quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Để đáp ứng đòi hỏi của đối tác, công ty quyết định mời một chuyên gia quản lý nhân sự có kinh nghiệm về hỗ trợ.
Việc làm đầu tiên của chuyên gia này là tham mưu cho giám đốc “thay máu” dàn chuyền trưởng gồm 5 người với lý do “tuổi cao, sức yếu”. Biết tin, tập thể CN phản ứng dữ dội khiến giám đốc không dám thực hiện kế hoạch. Sau va vấp này, trưởng phòng nhân sự tiếp tục đề xuất giám đốc ban hành các biện pháp chế tài bằng cách phạt tiền CN vi phạm nội quy, nâng định mức sản phẩm... Ngay khi dự thảo mới đưa ra, CN đã phản ứng quyết liệt và ngừng việc buộc cơ quan chức năng phải can thiệp, giải quyết.
Từ những bất ổn không đáng có, ông Hồ Kiến Tường rút ra bài học kinh nghiệm: “Quản lý con người là vấn đề nhạy cảm, không thể áp đặt suy nghĩ chủ quan. Dù mục đích tốt nhưng cách làm không phù hợp hoặc CN chưa thông suốt thì cũng dễ bị phản ứng. Tuy nhiên, nếu sai mà biết nhận sai và sửa đổi, chắc chắn sẽ được NLĐ cảm thông”.
Trả giá đắt
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Găng tay Khải Hoàn (tỉnh Bình Dương), cho rằng tạo dựng một môi trường làm việc thân thiện, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau nên là mục tiêu mà người quản lý hướng đến. Có kiến thức chuyên sâu nhưng thiếu kỹ năng, tức là không có nghệ thuật quản lý thì cũng sẽ thất bại.
Nhắc lại vụ tranh chấp lao động khi còn nắm chức tổng giám đốc một công ty chuyên gia công thú nhồi bông ở quận Bình Tân, TP HCM cách đây vài năm, ông Chu Lâm vẫn còn thấm thía. Thời hoàng kim, công ty chăm lo tốt cho CN với chế độ tiền lương, phúc lợi chu đáo. Sau đó, công ty gặp khó khăn, liên tục nợ lương, nợ BHXH và bị kiện ra tòa. Khi bị tòa xử thua kiện, ông Lâm ra lệnh cho thuộc cấp lén lút di chuyển máy móc hòng né tránh thực hiện nghĩa vụ. Sự việc bất thành, cơ quan chức năng can thiệp, buộc ông phải thanh toán đầy đủ quyền lợi cho CN. “Hôm trả chế độ cho CN trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng quận, nhiều CN đi ngang chỗ tôi ngồi, họ cố tình làm ngơ, không hề chào hỏi. Tôi thấy thật ê chề” - ông Lâm tâm sự.
Cay đắng không kém là trường hợp ông H.M.H - giám đốc một công ty giày ở quận Thủ Đức, TP HCM. Khi giải thể công ty, ông H.M.H đã “xù” hơn 1,3 tỉ đồng tiền lương, trợ cấp thôi việc của hơn 500 CN. Từ đó đến nay, ông phải trốn chui trốn nhủi, không dám đi đâu và làm gì; thậm chí có thời gian ông phải để râu, tóc dài sùm sụp, thay hình đổi dạng nhằm né tránh CN “truy lùng”.
Bình luận (0)