Chúng tôi tìm về Chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức (phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP HCM) - khu chợ đêm lớn và nhộn nhịp nhất khu vực phía Nam vào một ngày đầu tháng 9. Mới 20 giờ nhưng xe tải chở hàng từ các tỉnh Tây Nguyên, miền Tây và Nam Trung Bộ bắt đầu tấp nập ra vào chợ.
Nhọc nhằn mưu sinh
Trong số hàng trăm nhân công làm công việc bốc xếp hàng hóa ở khu chợ này, chúng tôi bắt gặp không ít người là nữ. Dụng cụ hành nghề của họ rất đơn giản, gồm 1 đôi găng tay, đôi giày bảo hộ và chiếc xe đẩy. Nhiệm vụ của họ là chuyển hàng từ xe tải xuống các vựa trong chợ.
Nhận thùng hàng nặng gần 50 kg từ một đồng nghiệp nam, chị Hồ Thị Thanh Lan nhanh chóng xếp ngay ngắn trên chiếc xe đẩy của mình. Trái với lo lắng của tôi, chị nhẹ nhàng kéo chiếc xe vào chợ, khuôn mặt không lộ vẻ mệt mỏi. "Lúc mới vào nghề, do chưa quen nên sau ca làm việc là tay, chân đau nhức, ê ẩm toàn thân. Giờ thì tôi quen rồi nên không mất nhiều sức" - chị Lan bộc bạch. Sau khi kéo gần chục thùng hàng vào các vựa, lưng áo chị ướt đẫm mồ hôi. Chị Lan cho biết mỗi đêm như vậy, chị kéo khoảng 20 chuyến, thời gian còn lại chủ yếu nghỉ ngơi và chờ các đợt hàng tiếp theo. Trong ánh điện lờ mờ, chúng tôi cảm nhận được phần nào sự vất vả của họ. Sau mỗi lần kéo hàng vào bên trong chợ, mồ hôi trên trán và trên lưng họ cứ thế túa ra. Thế nhưng, dù phải nhọc nhằn mưu sinh, điều kỳ lạ là trên môi họ luôn nở nụ cười vui vẻ, lạc quan.
Bà Lan Ngọc Hương, năm nay 69 tuổi, cho biết đã làm công việc bốc xếp gần 16 năm. Mỗi đêm, bà làm việc từ 18 giờ đến 2 giờ hôm sau. Thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. "Công việc tuy hơi nặng nhọc so với phụ nữ nhưng tôi phải cố gắng để lo cho gia đình. Ban ngày, ngoài thời gian nghỉ ngơi ra, tôi tranh thủ làm việc nhà, lo cơm nước cho chồng con" - bà Hương chia sẻ.
Dù công việc vất vả nhưng nữ bốc xếp ở Chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức vẫn lạc quan
Chịu thương chịu khó
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều nữ bốc xếp cho biết khó khăn lớn nhất với họ là phải làm việc trong điều kiện thời tiết xấu. Do hàng hóa ở chợ chủ yếu là trái cây, rau củ, quả… nên dù trời mưa to hay oi bức đến mấy cũng phải bốc dỡ cho hết, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.
Cùng chúng tôi đi một vòng quanh chợ, ông Hà Minh Công, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Quản lý và Kinh doanh Chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức (đơn vị chủ quản), cho biết hiện công ty có gần 600 nhân công bốc xếp, trong đó có 40 nữ. Công việc của họ được phân chia rõ ràng, một số theo dõi hàng từ xe xuống, số còn lại trực tiếp kéo hàng từ xe vào các vựa cho chủ hàng. Một ca làm việc của họ kéo dài khoảng 8 giờ, tùy theo thời điểm hàng về sớm hay muộn. Số đông nữ bốc xếp trước đây từng làm việc ở chợ Cầu Muối (quận 1), sau khi chợ này giải tán thì xin vào đây làm. Dù công việc hết sức nặng nhọc nhưng với họ, có thu nhập ổn định (khoảng 10 triệu đồng/tháng) là hạnh phúc lớn nhất. "Được cái là chị em rất chịu thương chịu khó. Để có thêm thu nhập, sau khi hết ca làm việc, thay vì về nhà thì nhiều người ở lại chợ phụ giúp các chủ vựa" - ông Công nói.
Đằng sau nụ cười lạc quan ấy cũng là những lo toan cho tương lai. Thực tế, để có thể gắn bó lâu dài với công việc, họ phải hy sinh nhiều thứ, thậm chí là hạnh phúc gia đình. Do làm việc vào ban đêm, lại phải gánh thêm việc nội trợ nên sức khỏe sa sút nhanh, nhiều người phải xin nghỉ.
Dù phải làm công việc như nam giới nhưng nhiều nữ bốc xếp vẫn cố gắng vượt qua khó khăn để làm tốt công việc được giao và chu toàn việc nhà. Ngoài việc ký hợp đồng dài hạn và trích nộp BHXH, BHYT, công ty còn ưu đãi cho lực lượng nữ bốc xếp, được nghỉ 4 ngày trong tháng".
Bình luận (0)