“Trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) ghi rõ ngoài việc được tham gia các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tôi còn được bệnh viện (BV) trả lương theo mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ quy định. Thế nhưng, từ năm 2009 đến nay, mỗi tháng BV chỉ trả lương cho tôi 200.000-400.000 đồng. Số tiền này sau đó bị khấu trừ hết vào các khoản đóng bảo hiểm”. Đây là nội dung đơn phản ánh của chị N.M.L, nhân viên vật lý trị liệu của một BV tại TP HCM, gửi đến Báo Người Lao Động mới đây.
7 năm làm việc không lương
Theo hồ sơ chúng tôi có được, từ tháng 7-2009 đến tháng 4-2011, chị L. được BV ký 2 HĐLĐ xác định thời hạn và 1 HĐLĐ không xác định thời hạn với cùng mức lương là 850.000 đồng/tháng. Sau đó, hằng năm, BV đều ký tiếp phụ lục hợp đồng để điều chỉnh mức lương song không ghi mức cụ thể, chỉ ghi là “thay đổi mức lương theo nghị định của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng...”.
Người lao động đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi
Thế nhưng, kể từ khi vào làm việc đến nay, chị L. không hề biết đến tiền lương mà chỉ được nhận khoản tiền dịch vụ massage hằng tháng tương ứng 30% tiền dịch vụ massage trên số lượng bệnh nhân phục vụ. “BV giải thích đã dùng toàn bộ lương của chúng tôi để đóng bảo hiểm cho nên dù thu nhập nhận được khá thấp (tháng cao nhất được 3,3 triệu đồng), chúng tôi cũng không dám có ý kiến vì sợ bị cho thôi việc” - chị L. chia sẻ. Đầu tháng 12-2016, khi bị cho nghỉ việc, chị L. đòi lương thì bị từ chối vì BV cho rằng khoản phụ cấp nhận được hằng tháng đã cao hơn mức lương theo quy định. Chưa hết, chị còn bị BV đòi hơn 17 triệu đồng tiền chênh lệch giữa thu nhập thực tế và mức lương theo HĐLĐ!
Ký HĐLĐ một đằng nhưng thực hiện một nẻo cũng là tình huống mà anh Đ.N.T, nhân viên giao hàng Công ty H.T (quận Bình Thạnh, TP HCM), gặp phải. Khi ký HĐLĐ (năm 2013), dù cam kết sẽ đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm cho nhân viên nhưng công ty chỉ thực hiện năm đầu. Hai năm sau, công ty trừ 32,5% lương hằng tháng của nhân viên để đóng BHXH (trích cả phần nghĩa vụ của công ty từ lương người lao động).
“Lúc đó, biết công ty làm sai nhưng muốn có việc làm, với lại ngoài tôi thì đa số nhân viên giao hàng chưa được ký HĐLĐ, chưa được tham gia BHXH nên tất cả đều đồng ý. Đến năm 2016, không hiểu sao công ty lại tiếp tục tham gia BHXH cho tôi” - anh T. trình bày.
Sau khi nghỉ việc, đầu năm 2017, T. gửi đơn đến cơ quan chức năng quận đề nghị can thiệp để anh được nhận lại số tiền đã đóng BHXH “giùm” công ty. Song, đến nay, anh vẫn chưa nhận được đồng nào dù khi làm việc với cơ quan chức năng, giám đốc đã hứa sẽ giải quyết.
Chủ quan nên thiệt thòi
Mới đây, anh Đ.N.T, nguyên trưởng phòng kinh doanh Công ty P.R (quận 1, TP HCM), cũng đã học được bài học cay đắng. Trước đó, tháng 5-2014, anh ký hợp đồng làm việc cho Công ty G.H (hoạt động trong lĩnh vực buôn bán thực phẩm và thiết kế chuyên dụng) do bà Phạm Thị Yến là đại diện pháp luật và ông Nystad (quốc tịch Hà Lan) - chồng bà - làm giám đốc điều hành, với mức lương 800 USD/tháng.
Đến tháng 11-2014, ông Nystad muốn tách riêng mảng thiết kế chuyên dụng nên nhờ bà Lan Chi, nhân viên kế toán, đứng tên thành lập thêm công ty mới lấy tên là P.R. Do trước đó, T. phụ trách kinh doanh lĩnh vực thiết kế nên khi tách mảng, anh được chuyển sang Công ty P.R làm việc. Anh T. chuyển qua chỗ làm mới chưa được bao lâu thì vợ chồng ông Nystad ly hôn, công ty liên tục nợ lương nhân viên. Không thể tiếp tục cầm cự vì bị nợ lương nhiều tháng (tháng 11, 12-2014 và tháng 3, 4, 7, 8-2015), tháng 10-2015, anh T. xin thôi việc. Từ đó đến nay, anh chỉ được P.R trả dần 4 tháng lương năm 2015; riêng lương 2 tháng của năm 2014, công ty từ chối trả.
Theo giải thích của bà Chi, tuy Công ty P.R được cấp giấy phép từ ngày 15-11-2014 nhưng đến đầu năm 2015 mới bắt đầu hoạt động nên tháng 11 và 12-2014, anh T. vẫn còn là người của Công ty G.H. Thế nhưng, khi anh T. liên hệ với G.H thì công ty này chối phăng với lý do từ thời điểm Công ty P.R thành lập, anh T. đã không còn là nhân viên của G.H. Anh T. than thở: “Thời điểm chuyển đổi, tôi nghĩ tuy 2 công ty nhưng thực chất chỉ là một nên đã bỏ qua chuyện làm thủ tục chấm dứt hợp đồng với công ty cũ và ký lại hợp đồng với công ty mới. Giờ họ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không bên nào chịu trả lương cho tôi”.
Phải xem kỹ nội dung hợp đồng
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, để không bị thiệt thòi quyền lợi, người lao động phải xem kỹ nội dung hợp đồng trước khi đặt bút ký vào.
“Nếu phát hiện những quy định bất thường, cần phải hỏi lại cho rõ và kiên quyết không ký vào những bản hợp đồng có thỏa thuận trái luật” - ông Triều lưu ý.
Bình luận (0)