Buổi chiều, bà Nguyễn Thị Bảy - chủ nhà trọ phường Thới An, quận 12, TP HCM - đi dọc các dãy trọ xem quần áo phơi cái nào khô thì kêu công nhân (CN) mang vào. Vào mùa khi CN tăng tốc may đồ, không kịp giao, bà đến làm phụ hoặc ẵm con giúp họ. Bà Bảy là một trong 16 chủ nhà trọ vừa được Hội LHPN TP HCM và LĐLĐ TP tuyên dương.
"Má Bảy" của công nhân
Hôn nhân đổ vỡ, bà Bảy một mình nuôi 4 con thơ. Suốt 28 năm, bà bán rau ở chợ rồi từ mảnh đất cha mẹ cho, bà xây dãy nhà trọ cho CN thuê. Lớn tuổi, không làm việc nặng nhọc được, bà mở tiệm tạp hóa tại nhà bán nước tương, nước mắm, mì tôm… cho CN ở tại khu trọ. Thấy chị Nguyễn Thị Ven, một người ở trọ nhà mình, gặp khó khăn, chật vật nuôi đàn con nhỏ, bà chủ động gọi chị Ven đến nhường tiệm tạp hóa. "Tôi dù sao cũng có đồng ra đồng vào từ tiền cho thuê nhà cũng sống được. Chỉ thương mấy mẹ con Ven khó khăn quá. Có tiệm tạp hóa sinh nhai, mấy đứa nhỏ cũng không gặp cảnh bỏ học giữa chừng" - bà Bảy kể.
Bà Nguyễn Thị Bảy (bìa phải) thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần công nhân ở trọ
Đến khu trọ phường Thới An, khi nhắc đến tên bà Bảy, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về lòng tốt, tấm chân tình của một bà chủ nhà. Những người trọ nhà bà có người ở hơn 10 năm, có người ở ngay từ đầu khi bà xây nhà trọ đến nay vẫn không muốn chuyển đi. Chị Lê Thị Huệ, quê tỉnh Quảng Nam, kể gia đình chồng chị ở vùng núi tỉnh Thanh Hóa, ngày cưới, nhà trai không vào được, bà Bảy đứng ra đại diện nhà trai, lo toan cưới xin cho anh chị. "Rồi tôi sinh 2 đứa con, một tay má Bảy chăm lo, từ việc sinh nở đến chỉ cách ở cữ, ăn uống thế nào để có sữa cho con. Rồi có tháng khó khăn quá, tôi qua xin má cho khất tiền nhà. Má rầy: "Cứ lo cho sắp nhỏ đi. Má có đòi tiền tụi bây đâu". Từ lâu, vợ chồng tôi xem má như mẹ ruột và dạy 2 đứa nhỏ gọi là bà nội. Người ngoài nhìn vào, ai cũng tưởng chúng tôi là mẹ con, bà cháu ruột thịt" - chị Huệ tâm sự.
Không có khoảng cách
Với CN, bên cạnh nỗi lo tiền lương không đủ sống còn phải nơm nớp lo âu chủ nhà tăng tiền thuê trọ. Thế nhưng, những CN ở trọ ấp Cây Sộp (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP HCM) không phải lo lắng về vấn đề này vì bao nhiêu năm nay khu nhà của bà Hoàng Thị Thịnh vẫn giữ giá 500.000-550.000 đồng/phòng. "Mình lấy giá cao rồi ăn cũng hết. Thôi thì lấy giá thấp thấp cho các em, các cháu ổn định cuộc sống" - bà Thịnh tâm sự.
Đa số CN ở khu trọ của bà đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp nên bà xem họ như con cháu trong nhà. Trung thu, lễ, Tết, bà đều tặng quà cho CN hoặc con của họ. Bà Thịnh còn đứng ra vận động các chủ nhà trọ khác quyên góp hỗ trợ cho những CN khó khăn không có điều kiện về quê ăn Tết. Bà khoe: "Năm qua, tôi vận động các chủ nhà trọ góp được 280 phần quà chăm lo cho CN khó khăn và 40 phần quà cho CN không có điều kiện về quê ăn Tết. Thấy mấy em, mấy cháu vui, mình cũng vui lây".
"Bà con xa không bằng láng giềng gần" là câu bà Nguyễn Thị Huệ - chủ nhà trọ phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM - hay nói với các CN trong khu trọ của bà. Nhờ thế mà mối quan hệ của 300 CN từ 120 phòng trọ của bà được thuận thảo. Ngày lễ, cuối tuần, CN của 2-3 phòng trọ lại rủ nhau nấu ăn chung hay làm bánh, đổ rau câu. Mỗi năm, khu trọ của bà có 20-30 phòng ở lại không về quê ăn Tết. Bà tặng mỗi phòng một phần quà 150.000 đồng. Cuối năm, bà làm một bữa cơm, mời tất cả CN ở lại đến ăn. "Tôi xem CN ở trọ như con cháu của mình nên cái gì cũng chỉ dạy, chia sẻ. Mừng là các em, các cháu đều ngoan, có chuyện gì cũng đến hỏi ý cô Chín" - bà Huệ kể.
Tặng 22.000 phần quà cho CN khó khăn
Trong năm 2017, các CLB nữ nhà trọ đã tổ chức 831 cuộc tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú thu hút hơn 34.800 lượt chị tham dự. Bên cạnh đó, hội LHPN các quận, huyện tổ chức giới thiệu, hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong gia đình, trong cộng đồng, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội… thu hút 5.130 CN tham gia. Các thành viên CLB nữ chủ nhà trọ đã chủ động chăm lo hơn 22.000 phần quà cho CN có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 4,4 tỉ đồng.
Bình luận (0)