Dịch Covid-19 bùng phát khiến cho hầu hết các cơ sở sản xuất, các nhà máy xí nghiệp đều bị đình trệ, phần lớn công nhân lao động phải nghỉ việc hoặc phải làm việc "cầm chừng" trong điều kiện hạn chế nghiêm ngặt. Thế nhưng, có những cơ sở "đặc biệt" đang phải làm việc "hết công suất" - dịch càng bùng phát mạnh thì công việc của những công nhân ở đây càng nhiều, trách nhiệm càng nặng nề...
Một trong những nơi như vậy là Nhà máy đốt rác Covid-19 đặt tại Bãi rác Đông Thạnh - Hóc Môn, TP.HCM. Bãi rác Đông Thạnh nổi tiếng một thời, đã đóng cửa từ lâu nhưng nhà máy đốt rác thì được mở ra ở đây, trước kia thường ngày chuyên tiếp nhận và xử lý rác thải y tế, giờ thêm nhiệm vụ mới - đốt rác có chứa virus nCoV, chủ yếu từ các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung F0 ở các phường, quận huyện và bệnh viện hồi sức cấp cứu... Đây là nơi cuối cùng xử lý triệt để mầm bệnh Covid-19 với khối lượng khoảng 35 tấn/ngày.
Một công nhân ở đây cho biết, trong tình hình mỗi ngày TP.HCM có hàng nghìn ca mắc mới, thành phố không thực hiện quy trình xử lý rác thải y tế theo quy trình thông thường, mà rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly sau khi tiếp nhận sẽ được nhân viên vệ sinh môi trường bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh, được phun xịt khử khuẩn trước khi đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng có khoang kín. Rác tiếp tục được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Tro chất thải sau khi đốt xong được hóa rắn và chôn lấp tại bãi chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.
Suốt những tháng qua, trong khi hàng triệu người dân TP.HCM đều ở nhà để thực hiện giãn cách xã hội thì riêng hàng chục anh em công nhân lĩnh vực này phải liên tục làm ngày làm đêm, liên tục phải tăng ca đôn kíp với những vòng xe không bao giờ ngơi nghỉ. Nhà máy mở cửa ngày đêm, chạy hết công suất...
Anh Trương Văn Tiến, công nhân nhà máy đốt rác cho biết ngay từ khi dịch bùng phát, công việc ở nhà máy có chiều hướng tăng cả về khối lượng và mức độ nguy hiểm, anh đã phải gửi vợ con về quê miền Tây để bớt nỗi lo lây nhiễm từ chính anh khi hằng ngày phải làm việc trong môi trường virus luôn tồn tại dưới các dạng thức khác nhau. Anh cùng phần lớn đồng đội ở đây "cắm trại" tại chỗ như một hình thức tự cách ly để bảo vệ gia đình. Họ phân công nhau lo bữa ăn cho mình - ở mức độ tối giản, có gì ăn nấy, cốt để có đủ sức lực mà làm việc. Sau những giờ nghỉ ngơi ngắn ngủi, họ lại lao vào công việc, bởi nếu không làm việc cật lực thì lượng "hàng tồn" sẽ nhanh chóng dồn ứ, khó lòng xử lý kịp.
Khi chưa có dịch, nhà máy chỉ cần 1 đội vận chuyển, lúc dịch bùng lên, công ty phải tăng cường thêm tới 4 đội nữa. Mỗi ngày 5 đội gom rác từ các Trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, bệnh viện cấp cứu hồi sức và các hộ dân có F0 điều trị tại nhà... chuyển về đây khoảng 35 tấn rác.
Nhà máy luôn nóng như đổ lửa, mùi hóa chất Cloramin B đậm đặc trong không khí, cộng thêm bụi của các mẻ tro vừa mới ra lò. Các công nhân phải mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, mũ chắn giọt bắn, khẩu trang kín và đứng liên tục 7-8 giờ/ngày. Không ai nói chuyện với ai, chỉ những cánh tay ra hiệu cho nhau khi đưa rác lên hệ thống nâng hạ và nạp liên tục vào lò.
Công nhân trẻ Lê Quốc Hòa (21 tuổi) cho biết: "Đến chiều là xương sống và 2 chân của em đau điếng, đôi tay rướm máu do đeo găng tay liên tục. Nhiều đêm đang ngủ thì bị vọp bẻ (chuột rút), vội vàng thức dậy xoa bóp. Có khi sợ ngày mai đứng không nổi nhưng nghĩ đến những y - bác sĩ thức trắng đêm giành lấy mạng sống cho các bệnh nhân nặng thì vất vả của tụi em có thấm vào đâu". Nhiều tháng liền họ chỉ được gặp gỡ gia đình qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi...
Mặc dù đã hết sức cẩn thận, thực hiện các biện pháp tự bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng rồi điều gì phải đến cũng đến, anh em lần lượt bị nhiễm Covid - tổng cộng 58 người. Vì công việc đặc thù, không thể có người làm thay nên ai dương tính thì đi cách ly, những người còn lại chia việc cho nhau cùng xử lý, đến khi người nào vừa có kết quả âm tính thì lập tức quay về với công việc...
Tuy nhiên, không phải ai cũng hết "dương" đều trở lại "âm". Tại Công ty Môi trường đô thị đã có người ra đi mãi mãi. Đó là trường hợp anh Nguyễn Phước Vân, sinh năm 1976, tăng cường cho bộ phận thu gom rác Covid-19 khi dịch bùng phát. Như nhiều nạn nhân Covid-19 khác, anh đã vội vã ra đi trong cô độc, rồi lặng lẽ trở về trong tro cốt. Hai đứa con anh, một sinh năm 2004, một sinh năm 2019 bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi cha. Khi ấy, cả ba mẹ con đều mắc Covid, khi hết thời gian điều trị, trở về từ bệnh viện dã chiến thì vĩnh viễn không còn thấy anh - trụ cột của gia đình.
Cũng như hàng chục triệu người dân, những công nhân ở "nhà máy đặc biệt" này chỉ mong ước một điều đơn giản - như lời anh công nhân Phùng Văn Cường: "Chỉ mong dịch bệnh mau kết thúc để mọi thứ quay trở lại bình thường. Chúng tôi tha hồ nựng con mà không lo ngại nữa, hàng xóm cũng không né tránh khi thấy chúng tôi về nhà".
Chia tay những người "công nhân đặc biệt" hằng ngày phải đối diện với muôn trùng hiểm nguy, chúng tôi cầu mong các anh luôn được bình an...
Bình luận (0)