Anh Hưng còn 15 năm nữa mới đến tuổi hưu nhưng anh xin nghỉ việc vì bị "nói sốc". Không chỉ một lần mà nhiều lần anh bị người lãnh đạo, từng là người được mình dìu dắt, nâng đỡ nói chuyện như tạt nước lạnh vô mặt. "Tôi không hiểu các bạn nghĩ gì khi ra những mệnh lệnh trống không với người lớn tuổi hơn mình rất nhiều. "Hãy làm đi", "Tại sao lại như vậy?", "Đừng có hỏi lôi thôi nữa"… những câu nói ấy khiến người ta liên tưởng tới một nền giáo dục không đến nơi đến chốn mà người lãnh đạo trẻ ấy được thụ hưởng" - anh Hưng nói giọng buồn buồn.
Ngoài chuyện của anh Hưng, tôi còn được nghe rất nhiều chuyện khác liên quan tới người trẻ. Công ty tôi giờ rất nhiều cán bộ quản lý trẻ. Họ thật sự giỏi chuyên môn, nói tiếng Anh như gió, làm việc với đối tác nước ngoài không cần phiên dịch… Tuy nhiên, không ít người trong số đó lại quên mất rằng trong đội ngũ nhân viên dưới quyền mình, có người 25 tuổi, có người 30 nhưng cũng có những người đã ngoài 40, 50 tuổi… Chính vì "quên" như vậy mới có chuyện quát tháo, nạt nộ, nói chuyện trống không, đánh đồng theo kiểu cá mè một lứa…
Những câu chuyện nghe lóm đó khiến tôi giật mình là bởi đôi khi tôi cũng vướng phải những điều tương tự. Có khi vì đang bận bù đầu bù cổ; có khi vì đang tức giận một chuyện gì đó hoặc một ai đó nên ngôn từ buông ra không chuẩn xác, nói với người 50 mà tưởng đang nói với cậu nhân viên tập sự 25 tuổi…
Ông bà mình dạy "lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" hay "uốn lưỡi 7 lần trước khi nói". Thế nhưng, trong cuộc sống tất bật, nhiều áp lực này, có khi chúng ta lại quên điều đó. Nói lời lễ phép với người lớn tuổi hơn mình, chuyện bình thường mà sao giờ lại khó đến vậy?
Bình luận (0)