Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương và Xã hội) vừa chỉ ra những nghề dễ kiếm việc làm nhất và những nghề khó kiếm việc nhất của thị trường lao động hiện nay. Đây được xem là cơ sở để người lao động (NLĐ) có thể lựa chọn cho mình ngành nghề theo học.
10 nghề có học viên tốt nghiệp ra trường dễ tìm được việc làm nhất, trong đó 100% học viên của 6 nghề ra trường tìm được việc làm là: Kỹ thuật chăn nuôi; kỹ thuật sửa xe gắn máy; kỹ thuật trồng trọt; lâm sinh; nuôi và phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp có việc làm sau đào tạo. 92,5 - 95% học viên của 4 nghề còn lại ra trường tìm được việc làm bao gồm: Cắt gọt Kim loại; xây dựng dân dụng; kỹ thuật chế biến món ăn và điện công nghiệp.
Điện công nghiệp là một nghề dễ kiếm được việc làm nhất hiện nay
Theo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, lý do học viên dễ tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp các nghề trên là do các nghề này đang có nhu cầu cao trên thị trường (chiếm 34,3%) và chất lượng đào tạo tốt, học viên có tay nghề đáp ứng được yêu cầu (chiếm 31,4%). Còn lại là một số lý do khác như: Một số nghề đặc thù chỉ có ít cơ sở đào tạo được, nhà trường hợp tác đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và NLĐ có khả năng tự tạo việc làm ở các nghề nêu trên.
Những nghề mà học viên khó tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp bao gồm: Điện, điện tử; nghiệp vụ nhà hàng; kế toán; quản trị văn phòng và quản trị mạng máy tính. Chỉ khoảng 40 – 50% học viên có việc làm sau đào tạo. Tuy nhiên, kết quả này không hoàn toàn đúng ở các địa phương. Mỗi địa phương khác nhau thì sẽ có những nghề dễ kiếm hoặc khó tìm được việc làm khác nhau. Để đào tạo nghề đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều phải xác định được nhu cầu về lao động theo từng thị trường lao động cụ thể.
Mặc dù đã có nhiều giải pháp để tăng tỉ lệ người học trong độ tuổi đi học tại các loại hình trường giáo dục và đào tạo, tuy nhiên thực tế, hằng năm vẫn còn hàng nghìn trẻ em từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi đang ở ngoài nhà trường. Với vốn kiến thức, năng lực hạn chế, các em sẽ trở thành nhóm yếu thế khi tham gia thị trường lao động. Do vậy, cần có chính sách phù hợp hơn với từng nhóm đối tượng, từng vùng.
Lý do chính mà học viên sau khi tốt nghiệp khó tìm được việc làm là do: Khó khăn chung của nền kinh tế nên nhu cầu tuyển dụng giảm (37,5%); có quá nhiều cơ sở cùng đào tạo các nghề này (25%); doanh nghiệp thu hẹp hoặc thay đổi lĩnh vực hoạt động (18,8%) và một số lý do khác.
Nhiều rào cản khiến NLĐ không đi học nghề, trong đó rào cản lớn nhất đối với nhiều người là: Không có khả năng tìm việc làm sau khi học nghề hoặc tự tạo việc làm (29,5%); không có tiền đóng học phí (28,4%); người không đủ trình độ để đi học (20%). Ngoài ra còn một số lý do khác như: Không tìm được khóa học phù hợp, không có thông tin về các khóa học, tâm lý không muốn đi học...
Kết quả này có điểm tương đồng với khảo sát học sinh đang học phổ thông, NLĐ không có việc làm. Không có tiền đóng học phí và lo sợ sau khi học nghề xong không tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm là rào cản lớn đối với nhiều người. Đây là những điểm cần lưu ý khi tổ chức đào tạo nghề cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, những vùng đặc biệt khó khăn.
Ngoài việc hướng nghiệp để học viên có định hướng lựa chọn nghề nghiệp thì việc hỗ trợ học phí, đi lại và giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc hỗ trợ tự tạo việc làm là rất cần thiết, như vậy mới thu hút được các đối tượng này đi học.
Về hỗ trợ việc làm sau đào tạo, cần tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các bên tham gia trong việc hỗ trợ tự tạo việc làm, hành nghề sau đào tạo; hỗ trợ kết nối người học sau khi đã có việc làm tiếp cận tới các kênh tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện cho họ được tiếp cận kịp thời với những thay đổi thuộc nghề, lĩnh vực họ đang làm việc; hỗ trợ người học sau khi đã có việc làm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm khi được đánh giá là cơ hội phát triển và đủ năng lực.
Bình luận (0)