Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu. Dự thảo nhằm làm rõ hơn quy định về tuổi hưu trong các điều kiện bình thường, ở tuổi thấp hơn, ở tuổi cao hơn cũng như các điều kiện hưởng lương hưu.
Dự thảo cũng quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức hiện được thực hiện theo Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29-5-2015 của Chính phủ.
Việc quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện
Cụ thể, giữ nguyên các đối tượng thuộc diện được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn gồm cán bộ, công chức nữ giữ 10 nhóm chức vụ, chức danh: Phó Trưởng ban các Ban Trung ương Đảng; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phó Chủ nhiệm chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ; cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ; người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ...
Kế thừa Nghị định số 53/2015/NĐ-CP và quy định chi tiết khoản 4, Điều 169 của Bộ Luật Lao động, ngoài các đối tượng nêu trên, đối tượng được nghỉ hưu ở tuổi cao trong dự thảo Nghị định còn có thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là 5 năm và thực hiện cùng với lộ trình bắt đầu tăng từ năm 2021. Tuổi nghỉ hưu cao hơn không vượt quá 67 tuổi đối với nam vào năm 2028 và không vượt quá 65 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Đặc biệt, việc quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện: khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng, đủ sức khỏe và không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về Đảng, chính quyền.
Bình luận (0)