Trong thời gian bảo lưu, người lao động (NLĐ) vẫn được bảo đảm quyền lợi như mua BHYT. Khi về già, sức khỏe là ưu tiên hàng đầu, nếu được nhà nước chăm lo sức khỏe qua BHYT, NLĐ có thể an tâm hơn. Thế nhưng, tại sao một điều luật mang tính nhân văn như thế, có lợi cho NLĐ như thế mà có không ít NLĐ không đồng tình? Thực tế, hầu hết NLĐ ở các KCX-KCN là lao động ở nông thôn lên thành thị, thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh. Do vậy, mong muốn nhận trợ cấp một lần của NLĐ là hết sức chính đáng. Tôi cho rằng điều 60 đúng nhưng chưa đủ vì chưa quan tâm đầy đủ quyền lợi của tất cả bộ phận NLĐ. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội xem xét sửa điều 60 theo hướng trước mắt cho phép NLĐ khi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sau thời gian 1 năm nghỉ việc có thể nhận BHXH một lần.
Xung quanh vấn đề này, tôi tán thành ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai. Theo đó, Quốc hội cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH một lần phù hợp với tỉ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già (năm 2014, ngân sách phải chi hơn 3.000 tỉ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu). Bên cạnh đó, các tổ chức thực hiện chính sách cần tư vấn, giải thích cho NLĐ hiểu đầy đủ các chính sách như bảo lưu, cộng dồn, tham gia BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ của nhà nước nếu không tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp... để NLĐ có sự lựa chọn tốt nhất cho quyền lợi của họ.
Vũ Thế Vinh (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương)
Bình luận (0)