Tỉnh Bình Dương đang dần từng bước thích nghi với trạng thái bình thường mới nhưng vẫn bảo đảm thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đây là thời điểm doanh nghiệp (DN) tái sản xuất, tăng tốc kinh doanh. Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch, nhiều DN đưa ra chính sách đãi ngộ để giữ chân người lao động (NLĐ).
Chủ động thích ứng
Công ty TNHH Fujikura Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I, TP Thuận An, Bình Dương) sau một thời gian dài thực hiện "3 tại chỗ", nay đã cho toàn bộ công nhân (CN) trở về nhà nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe và chuẩn bị tinh thần cho việc DN mở cửa trở lại.
Ông Đào Ngọc Trung, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, cho biết công ty có 2 phương án để sản xuất trở lại, một là vẫn tiếp tục giữ nguyên "3 tại chỗ", hai là chỉ cho phép CN ở "vùng xanh" đi làm bình thường. Đối với phương án "3 tại chỗ" thì dễ triển khai, còn phương án "3 xanh" thì bắt buộc phải kiểm soát gắt gao, CN trước khi vào làm việc tại nhà máy sẽ được công ty lấy thông tin đầy đủ, đồng thời ký cam kết thực hiện các quy định phòng chống dịch, riêng đối với NLĐ ngoại tỉnh sẽ có xe đưa rước.
Nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương điều chỉnh hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm thích nghi với trạng thái bình thường mới
Công ty TNHH Fujikura hiện có gần 2.000 CN, trở lại trạng thái bình thường mới với dự kiến có khoảng 30% chưa thể đi làm được do vướng các điều kiện đi lại. Trong những tháng nghỉ do dịch Covid-19, ngoài việc tạo điều kiện cho CN được hưởng các gói trợ cấp của nhà nước, công ty vẫn trả cho họ 50% mức lương tối thiểu vùng. Vì vậy, đa số CN vẫn quyết tâm bám trụ tại Bình Dương, chỉ khoảng 5% CN về quê. Khi CN đi làm trở lại, công ty sẽ tính toán hỗ trợ 1 khoản chi phí sinh hoạt để chia sẻ khó khăn với họ.
Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long (TP Thuận An), cho biết thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã rất tích cực trong việc cải cách hành chính, xây dựng những chính sách, cơ chế thông thoáng hơn đối với cộng đồng DN. Ông cũng đánh giá cao sự linh hoạt, sáng tạo của tỉnh Bình Dương khi chuyển từ "không có Covid-19" sang thích ứng an toàn để thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện Công ty TNHH Minh Long đang từng bước tái sản xuất theo phương thức "3 xanh". Để giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, y tế tại chỗ là giải pháp DN chú trọng để vừa sản xuất vừa phòng dịch hiệu quả. "Ngoài việc kiểm soát NLĐ tại nhà máy, chúng tôi cũng dự phòng tình huống khi có trường hợp F0, bố trí một khu vực riêng để cách ly, đồng thời ký hợp đồng với các bệnh viện để điều trị khi cần" - ông Minh nói.
Linh hoạt gỡ khó
Sau khi tiếp thu kiến nghị của DN về việc được tự quyết định mở cửa sau Covid-19, mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã có chỉ đạo nhằm gỡ khó cho người sử dụng lao động. Theo đó, các DN ở KCN do Ban Quản lý KCN chịu trách nhiệm, ở cụm công nghiệp do Sở Công Thương chịu trách nhiệm, riêng CN ở ngoài KCN và cụm công nghiệp thì UBND cấp huyện chịu trách nhiệm. Việc giải quyết nhanh hay chậm, thẩm định ra sao là thuộc thẩm quyền của đơn vị được giao địa bàn.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho DN trở lại hoạt động sản xuất, tỉnh Bình Dương cũng đang đẩy nhanh tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, đặc biệt ưu tiên tiêm cho lực lượng sản xuất, kể cả lực lượng nhà thầu của DN nhằm sớm bao phủ 2 mũi cho toàn bộ NLĐ, từ đó tạo sự an tâm cho DN, NLĐ để tập trung phục hồi sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết NLĐ khi được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sẽ được đi lại làm việc tự do mà không cần phải có giấy xét nghiệm, còn việc xét nghiệm tại DN thì vẫn thực hiện. "Điều đáng mừng là Sở Công Thương đang làm đầu mối cung cấp kit test với mức giá rất tốt cho DN là 64.800 đồng/cái. Nếu test mẫu "gộp 3" và với tần suất 3 ngày/lần thì chi phí cho mỗi CN sẽ dưới 10.000 đồng/ngày. Khi tỉ lệ CN được tiêm 2 mũi tăng lên thì chi phí test sẽ tiếp tục giảm, vì những người này chỉ phải test 7 ngày/lần. Đồng thời, cho phép DN sau khi test xong tự cấp giấy xét nghiệm cho NLĐ luôn. Việc này đã giảm chi phí, tạo thuận lợi cho DN lưu thông, sản xuất" - ông Toàn nói.
Khi DN đã hoạt động, nếu phát hiện có F0, các đơn vị phải kịp thời cử đội phản ứng nhanh đến xử lý. Trong vòng 30 phút khi nhận thông tin có ca F0 phải cử người đến điều phối xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai xây dựng "pháo đài xanh" tại các nhà trọ xanh; xây dựng kế hoạch xử lý các ca F0 ở nhà trọ nhanh nhất có thể và giao cho UBND cấp huyện phụ trách. Cùng với các địa phương, Ban Quản lý KCN và Sở Công Thương tiếp tục củng cố các Trạm Y tế lưu động để hỗ trợ DN đăng ký sản xuất khi phát sinh yếu tố dịch bệnh.
Hậu kiểm doanh nghiệp quy mô lớn
Để bảo đảm an toàn sản xuất, đặc biệt là sức khỏe NLĐ, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các đơn vị thông báo đến DN khi đăng ký hoạt động theo mô hình "3 xanh" thì phải xây dựng phương án hoạt động kèm phương án chống dịch gửi cơ quan chức năng. Sau đó, DN hoạt động, cơ quan chức năng sẽ hậu kiểm. "Đối với những DN có quy mô lớn, số lao động nhiều, làm việc môi trường máy lạnh... thì quan tâm hậu kiểm sớm nhất có thể" - ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, lưu ý.
Bình luận (0)