Còn chưa đầy 2 tháng là đến Tết Nguyên đán, gia đình chị Hà Thị Đậu - công nhân (CN) một công ty chuyên làm thùng xốp tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng - vẫn đang băn khoăn chuyện ở lại hay về quê (tỉnh Nghệ An). Hai năm liền ở lại Đà Nẵng đón Tết, vợ chồng chị rất muốn đưa 2 con về quê sum vầy cùng ông bà. Tuy nhiên, kế hoạch về quê của họ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thưởng Tết của doanh nghiệp (DN).
Mong được về quê đón Tết
Tết năm ngoái, chị Đậu được công ty thưởng 1 tháng lương (hơn 7 triệu đồng). Theo chị, đây là mức thưởng xứng đáng với sự cống hiến của mình trong cả năm.
Năm nay, dịch Covid-19 khiến công ty mất nhiều đơn hàng, chị Đậu phải làm việc luân phiên, do vậy thu nhập cũng giảm sút. Khoản thưởng Tết với chị vì thế càng quan trọng hơn. "Tôi chỉ mong công ty có mức thưởng tương đương năm ngoái. Có khoản tiền này, gia đình tôi mới an tâm đặt vé xe về quê" - chị bày tỏ.
Trong khi đó, anh Trần Xuân Thân, CN Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà nẵng), cho biết công ty anh vừa công bố mức thưởng Tết Nhâm Dần là 1 tháng lương như mọi năm. Theo anh Thân, việc công bố mức thưởng sớm khiến người lao động (NLĐ) an tâm làm việc, chủ động lên kế hoạch đón Tết cùng gia đình.
Dù gặp khó khăn nhưng hầu hết doanh nghiệp tại TP Đà Nẵng vẫn cố gắng bảo đảm lương, thưởng Tết cho người lao động
Anh Nguyễn Thanh Hà (quê Nghệ An), CN Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh), cũng cho rằng khoản thưởng Tết là động lực để NLĐ gắn bó lâu dài với DN. Ngoài việc trông chờ thưởng Tết, anh Hà còn tìm hiểu kỹ các chương trình chăm lo, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn cơ sở để tính toán việc về quê hay ở lại.
"Dịch bệnh kéo dài 2 năm khiến ai cũng khó khăn, CN chúng tôi đang trông chờ các chuyến xe Công đoàn đưa NLĐ về quê hơn bao giờ hết. Sự hỗ trợ từ công ty và tổ chức Công đoàn thật sự rất cần thiết trong lúc này" - anh Hà thổ lộ.
Trò chuyện với chúng tôi, lãnh đạo một số DN du lịch tại TP Đà Nẵng thừa nhận đã cạn nguồn lực để thưởng Tết. Theo Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, đến nay, chỉ khoảng 10%-15% DN du lịch mở cửa trở lại, chủ yếu để duy trì hoạt động chứ không có khách.
Anh Trần Phú, nhân viên lễ tân khách sạn Crowne Plaza Danang (đường Võ Nguyên Giáp, TP Đà Nẵng), cho biết dù TP đã thí điểm đón khách quốc tế song lượng khách thực tế gần như không có. Kinh doanh khó khăn khiến nhân viên không dám mơ đến thưởng Tết.
"Năm ngoái chúng tôi cũng không có thưởng Tết. Công việc hiện tại vất vả hơn mọi khi vì hầu hết nhân lực đều bị cắt giảm sau đợt dịch. Tuy nhiên, còn được làm việc là hạnh phúc" - anh Phú tâm sự.
Công đoàn và doanh nghiệp chung tay chăm lo
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29/3 (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), cho biết dù vừa trải qua một năm khó khăn nhưng DN vẫn cố gắng bảo đảm mức thưởng Tết cho hơn 4.000 CN. Mức thưởng năm nay là tháng lương thứ 13, thậm chí có thể nhỉnh hơn năm ngoái 10%-20%. Mức thưởng Tết cụ thể sẽ được công bố khoảng 1 tháng trước Tết, bảo đảm toàn bộ NLĐ được nhận trước khi về quê.
"Năm 2021, dịch bệnh khiến đơn hàng xuất đi các nước bị ảnh hưởng, chi phí phòng dịch rất tốn kém. Tài chính DN rất khó khăn nhưng lãnh đạo công ty vẫn cố gắng thưởng Tết, xem đó là cách tri ân NLĐ đã đồng cam cộng khổ với công ty suốt thời gian qua" - ông Chính nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh), năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh nên doanh thu của DN này giảm khoảng 20%-30% so với năm ngoái. Nhiều đối tác hủy hoặc hoãn đơn hàng khiến công ty không xuất hàng đi được. Tuy nhiên, công ty vẫn cố gắng thưởng Tết cho NLĐ ở mức 1,5 tháng lương. Hiện công ty đã ứng trước nửa tháng lương, số tiền còn lại sẽ chuyển vào dịp Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và KCN Đà Nẵng, cho biết đến giờ, hầu hết các DN chưa có báo cáo kế hoạch thưởng Tết. Tuy nhiên, qua nắm tình hình cho thấy hầu hết các DN cố gắng giữ mức thưởng bằng năm ngoái.
"Ngoài việc hỗ trợ CN xa nhà về quê ăn Tết như mọi năm, Công đoàn sẽ tổ chức các hoạt động để chăm lo cho CN ở lại Đà Nẵng đón Tết, như: tổ chức phiên chợ kết hợp nấu bánh chưng xanh, chương trình "Tết không xa nhà"... " - ông Trung nói.
Mới đây, LĐLĐ TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với chủ đề "Tết sum vầy - Xuân bình an". Lãnh đạo LĐLĐ TP Đà Nẵng yêu cầu Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở sớm xây dựng kế hoạch thăm hỏi, động viên CN tại các đơn vị, DN gặp khó khăn do dịch bệnh, CN bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo.
Vừa chăm lo vừa bảo vệ
Cụm thi đua 10 LĐLĐ các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vừa tổng kết công tác thi đua năm 2021. Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh, hầu hết các DN đều gặp khó khăn, đặc biệt là các ngành như dịch vụ, du lịch. Nhiều DN giải thể dẫn đến rất nhiều NLĐ bị mất việc.
Trước những khó khăn đó, dịp Tết Nguyên đán 2021, LĐLĐ các tỉnh đã hỗ trợ hơn 70 tỉ đồng cho NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động, không có điều kiện về quê đón Tết… Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, LĐLĐ các tỉnh đã chi trên 15 tỉ đồng chăm lo cho 12.000 trường hợp nhiễm bệnh, hỗ trợ hơn 3,2 tỉ đồng bổ sung dinh dưỡng cho CN tại các DN "3 tại chỗ".
Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các cấp Công đoàn trong toàn cụm sẽ đẩy mạnh hoạt động chăm lo đoàn viên - lao động; phối hợp với tòa án và BHXH tỉnh khởi kiện đối với các DN vi phạm chính sách bảo hiểm đối với NLĐ...
T.Tĩnh
Bình luận (0)