Ba cái vụ “văn nghệ, văn gừng” chính là đề xuất từ phòng nhân sự và Công đoàn. Một bữa, anh chủ tịch Công đoàn phàn nàn: “Đời sống tinh thần của anh em công nhân nghèo nàn quá, họ chỉ biết cắm mặt làm rồi về ngủ, sáng ra lại làm rồi về ngủ...”. “Thế anh muốn công ty phải làm sao?” - mình hỏi lại. Chị trưởng phòng nhân sự đề xuất: “Tôi thấy nhiều nơi người ta tổ chức văn nghệ, thể thao cho công nhân sau giờ làm việc. Mình không có nơi, có chỗ cho anh em chơi thể thao thì trước mắt nên tổ chức văn nghệ cho nó phấn chấn”.
Cả trưởng phòng nhân sự và chủ tịch Công đoàn đều là những người đàn giỏi, hát hay nên họ thích tổ chức này kia chứ mình có biết hát hò chi đâu mà kêu tạo lập phong trào? Nhưng thôi, đã vậy thì làm cái kế hoạch hội diễn văn nghệ mừng Xuân cho xôm tụ để lấy đà sang năm tổ chức thêm nhiều hoạt động khác.
Cứ tưởng là khi thông báo dán lên thì anh em sẽ ùn ùn đăng ký, ai dè cả tuần lễ, chỉ lèo tèo vài người. Các trưởng bộ phận phải năn nỉ những anh chị em biết ca hát, mời họ tham gia. Cuối cùng cũng tập hợp được hơn chục tiết mục. Hôm anh em bắt đầu tập dượt, mình cứ đinh ninh công nhân cả nhà máy sẽ ở lại để xem. Nào ngờ chỉ có vài chục người tập trung trong cái hội trường 300 chỗ. Chưa kể xem một hồi, họ lần lượt bỏ về, chỉ còn lại loe ngoe mấy mạng. Mình hỏi một cô công nhân thì được trả lời: “Con về nấu cơm cho ảnh với mấy đứa nhỏ, ở lại coi văn nghệ đâu có no được đâu chú?”.
Câu trả lời của cô công nhân khiến mình sững sờ. Họ phải về vì cái bụng đang réo, không thể hát hò, cũng không thể ngồi lại xem. “Mỗi anh chị em tham gia tập dượt sẽ được bồi dưỡng 30.000 đồng/buổi. Những người ở lại xem sẽ được công ty đài thọ bữa ăn nhẹ”. Ý tưởng này đến với mình ngay sau câu trả lời của cô công nhân. Phải rồi, có thực mới vực được đạo; phải no bụng thì mới vui chơi được.
Một điều giản dị như vậy mà bây giờ mình mới hiểu ra...
Bình luận (0)