Bộ LĐ-TB-XH cho biết, trong giai đoạn 2006-2016, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bình quân mỗi năm đạt 87.500 người, tăng khoảng 4,2% mỗi năm. Đặc biệt trong hai năm qua, số lao động làm việc ở nước ngoài đạt hơn 100.000 người/năm, trong đó năm 2016 đạt 126.000 người, tăng 8,9% so với năm 2015. Tỉ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài đã qua đào tạo chiếm trên 30%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 15% năm 2015. Hiện có 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và khu vực Trung Đông...
Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB-XH, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang diễn biến phức tạp. Gần đây nhất, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH đã bêu tên 46 doanh nghiệp (DN) XKLĐ bị thu hồi giấy phép hoạt động. Hầu hết, những DN bị thu hồi giấy phép là do vi phạm quy định về XKLĐ, như: không trực tiếp tuyển dụng lao động, cho người khác sử dụng giấy phép, lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền trái phép; đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động…
Vi phạm của các DN không chỉ xâm hại quyền lợi của NLĐ mà còn ảnh hưởng tới uy tín của lao động Việt Nam với đối tác nước ngoài. Số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ bị xử phạt, chấn chỉnh trong năm 2017 nhiều nhất từ trước đến nay.
Bình luận (0)