Năm tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã đóng băng thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) do các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, CHLB Đức... hạn chế tiếp nhận người nước ngoài để phòng chống dịch bệnh. Điều này đã làm cho người lao động (NLĐ) và cả các doanh nghiệp (DN) XKLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thông tin về tình trạng mất việc làm, thất nghiệp tại chính những thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam cũng làm NLĐ đang muốn ra nước ngoài làm việc lo lắng, DN XKLĐ thì "ngồi trên đống lửa" chờ ngày bình thường trở lại. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có những tín hiệu lạc quan.
Đức mở cửa cho điều dưỡng Việt
Dù vẫn còn hạn chế bay để phòng dịch Covid-19 nhưng Trần Thị Thúy Hằng (điều dưỡng) vẫn được cấp visa và vừa đáp chuyến bay ngày 26-5 sang CHLB Đức. Hằng là một trong rất nhiều điều dưỡng viên Việt Nam được nước Đức cho phép sang để bổ sung vào đội ngũ nhân lực ngành y tế và chăm sóc sức khỏe.
Ra sân bay Tân Sơn Nhất tiễn học viên sang Đức, ông Nguyễn Du, Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á, cho biết chính phủ Đức vẫn dành ưu tiên cho nhập cảnh những người nước ngoài đến Đức để học tập và làm việc trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. "Trước khi lên máy bay, các bạn đi theo diện này được kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt và khi đặt chân đến nước Đức cũng phải kiểm tra lại trước khi nhập cảnh. Nếu không có nguy cơ nhiễm bệnh, các bạn sẽ đến nơi học tập và làm việc luôn mà không phải cách ly 14 ngày" - ông Du nói. Ông Du cũng thông tin thêm rằng những điều dưỡng viên đang làm việc tại Đức được thưởng thêm tiền từ 1.000-1.500 euro vì đã cống hiến sức lực trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Đó là cách ghi nhận công sức của những người làm việc tại các cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe tại Đức. Chính phủ Đức đang làm tất cả để thu hút lao động có tay nghề hoặc sang Đức đào tạo để bổ sung cho lực lượng lao động đang ngày một khan hiếm, đặc biệt là ngành điều dưỡng. Đây chính là cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam mong muốn có được việc làm tốt, thu nhập cao và được làm việc lâu dài tại quốc gia phát triển hàng đầu châu Âu. "Dù Đức vẫn đang gồng mình chống chọi với dịch Covid-19 nhưng họ vẫn mở cửa cho điều dưỡng Việt Nam. Trong vài tháng tới, những ngành nghề khác chắc chắn sẽ được cấp visa vào nước Đức bởi họ không muốn DN của mình gặp cảnh thiếu lao động sau khi vực dậy từ đại dịch" - ông Du nói thêm.
Nhóm thực tập sinh chăm sóc người cao tuổi do Công ty TNHH Esuhai đào tạo chuẩn bị sang Nhật
Nhật, Hàn sẽ sớm mở cửa trở lại
Là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất năm 2019 nên Nhật Bản được cả DN và NLĐ mong ngóng thông tin nhiều nhất về tình hình dịch bệnh. Ngày 25-5, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã mở cuộc họp báo chính thức tuyên bố hủy bỏ tình trạng khẩn cấp dựa trên luật đặc biệt về phòng chống Covid-19 tại 5 tỉnh còn lại gồm: Hokkaido, Tokyo, Saitama, Chiba và Kanagawa. Như vậy, sau 49 ngày kể từ ngày tuyên bố tình trạng khẩn cấp đầu tiên vào ngày 7-4, tất cả 47 tỉnh, thành của đất nước mặt trời mọc đã được gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hoàn toàn.
Với tuyên bố này, Nhật Bản chính thức kết thúc giai đoạn 1 trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và sẵn sàng bước vào giai đoạn tiếp theo trong công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế. Đây chính là niềm vui của NLĐ Việt đang ở Nhật và cả những người đang chuẩn bị sang Nhật Bản làm việc. Vừa quay trở lại làm việc sau 2 tháng thất nghiệp do công ty tạm ngưng sản xuất, Lê Ngọc Thích (26 tuổi; đang làm việc tại tỉnh Chiba - Nhật Bản) cho biết mọi việc đã trở lại bình thường. "Đi làm lại sau một thời gian khá dài nằm ở nhà, ai cũng háo hức và cảm nhận được sức ảnh hưởng ghê gớm của dịch bệnh. Ông chủ người Nhật bảo chưa bao giờ công ty gần 70 năm tuổi của ông phải dừng hoạt động cả. Nhưng cái khó bây giờ là đơn hàng gia công của công ty giảm hẳn, chúng tôi làm ít hơn, khả năng lương sẽ thấp hơn nhưng bù lại tôi vừa được nhận 100.000 yen (hơn 20 triệu đồng) trợ cấp của Chính phủ Nhật Bản" - anh Ngọc Thích nói. Anh Thích cũng cho biết thêm hiện có nhiều thực tập sinh như anh bị mất việc bởi nhiều công ty của Nhật phá sản. Nhưng sự phối hợp giữa các công ty phái cử và các nghiệp đoàn tuyển dụng đang nỗ lực để bảo đảm công việc cho thực tập sinh và giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Còn tại thị trường Hàn Quốc, với việc Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc chính thức thông báo kế hoạch các kỳ thi năng lực tiếng Hàn cho thấy thị trường này sớm mở cửa trở lại. Đại diện một DN chuyên đưa lao động đi Hàn Quốc (đề nghị giấu tên) cho biết việc tuyển sinh và tổ chức dạy tiếng, đào tạo nghề đang dần trở lại ổn định sau thành tích khống chế dịch của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, việc chưa nối lại các chuyến bay cũng như quy định cấm xuất nhập cảnh giữa Việt Nam và Hàn Quốc khiến các DN phái cử lao động và NLĐ phải ngồi chờ. "Hàn Quốc cũng khống chế dịch rất tốt và khả năng cao là tháng 7 hoặc tháng 8 có thể đưa lao động sang được. Theo tôi, khi các hoạt động kinh tế của họ khôi phục trở lại, chắc chắn họ sẽ tiếp nhận lao động ngay để vực dậy nền kinh tế. Dịch Covid-19 sẽ sớm được khống chế và mọi việc sẽ sớm trở lại bình thường" - vị đại diện DN nói.
Ký quỹ 100 triệu đồng
Ngày 31-3-2020 , Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, NLĐ phải ký quỹ 100 triệu đồng để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi kết thúc hợp đồng lao động.
Kỳ tới: Tìm hướng đi mới
Bình luận (0)