Những ngày này, toàn bộ 300 công nhân (CN) Công ty TNHH Đại Hùng (chuyên may gia công, tỉnh Bình Dương) làm việc cật lực để hoàn tất đơn hàng tháng 6. "Lương, thưởng hợp lý cùng chính sách đãi ngộ tốt giúp CN an tâm làm việc, gắn bó lâu dài" - anh Trần Minh Tâm, một CN ở bộ phận kỹ thuật, cho biết.
Lấy đối thoại làm gốc
Tháng 6 và tháng 7 hằng năm là mùa sản xuất cao điểm. Dù vậy, ban giám đốc Công ty TNHH Đại Hùng chủ trương không cho CN tăng ca nhiều nhưng vẫn bảo đảm thu nhập. Nhờ đó, không ít CN vẫn đạt thu nhập trên 6,5 triệu đồng/tháng.
Luôn cầu thị và sẵn sàng đối thoại mọi lúc, mọi nơi là bí quyết để ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp (DN) của ban giám đốc. Ông Cao Hùng Đại, giám đốc công ty, cho biết tiền lương luôn là vấn đề "nhạy cảm" tại DN. Do vậy, khi điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) hoặc nâng lương định kỳ, ban giám đốc luôn lưu ý Công đoàn (CĐ) cơ sở phải khảo sát kỹ thu nhập và chi tiêu thực tế của CN để có cơ sở đề xuất mức nâng hợp lý.
Chăm sóc tốt công nhân cũng là cách doanh nghiệp ổn định quan hệ lao động lâu dài
Chỉn chu hơn, ban giám đốc còn yêu cầu CĐ xây dựng 3 mức đề xuất khác nhau và đưa ra lấy ý kiến trong CN để họ lựa chọn. Ý kiến thuộc số đông dĩ nhiên được ban giám đốc ưu tiên xem xét trong quá trình thương lượng với CĐ cơ sở. "Cái gì luật đã quy định thì đương nhiên DN phải tuân thủ. Do vậy, trong quá trình thương lượng, CĐ và ban giám đốc chỉ bàn bạc những nội dung có lợi hơn cho CN, sau đó hoàn thiện thành quy chế để thực hiện" - ông Đại cho biết.
Chủ trương của ban giám đốc cùng sự năng động của CĐ cơ sở đã giúp quá trình thương lượng diễn ra suôn sẻ. Thực tế, ở những lần điều chỉnh LTT, nếu mức LTT đang áp dụng đã cao hơn quy định thì ban giám đốc công ty vẫn điều chỉnh tăng nhằm động viên tinh thần tập thể CN. Ngoài phụ cấp chức vụ, tùy đóng góp trong năm mà CN còn được xét nâng lương định kỳ (thấp nhất 6%, cao nhất 10%, tính theo mức lương thực lãnh).
Cũng với tinh thần cầu thị ấy, ban giám đốc và CĐ Công ty Mach Knit Vina (100% vốn Hàn Quốc; huyện Bình Chánh, TP HCM) không mất quá nhiều thời gian cho việc thương thảo tiền lương mà vẫn đạt được sự đồng thuận cao. "Cơ chế đối thoại định kỳ hằng tháng giúp ban giám đốc và CĐ cơ sở giải quyết căn cơ những kiến nghị liên quan đến đời sống, việc làm của CN, nhất là tiền lương" - ông Nguyễn Huy Cường, Chủ tịch CĐ công ty, khẳng định.
Nhờ tìm được tiếng nói chung nên đời sống CN ngày càng ổn định. Ngoài phụ cấp thâm niên, CN còn được công ty còn hỗ trợ phụ cấp nhà trọ, tiền cơm ngày chủ nhật...
Tìm tiếng nói chung
Từng tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp lao động tập thể, ông Nguyễn Thanh Sang - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, TP HCM - nhìn nhận: "Nhiều DN khi có tranh chấp thường e ngại đối thoại với CĐ - đại diện cho tập thể lao động - khiến hai bên khó tìm được sự đồng thuận. Trường hợp này, DN nên lấy đối thoại làm gốc, có như vậy mới sớm ổn định quan hệ lao động".
Nhắc lại vụ tranh chấp xảy ra tại đơn vị cách đây không lâu, ông Cao Đăng Hưng - giám đốc một công ty có hơn 200 lao động tại quận Bình Tân, TP HCM - nói ông lấy làm tiếc vì từ chối cơ hội đối thoại với CĐ cơ sở khi giải quyết kiến nghị của CN. Thời điểm ấy, do tăng ca quá nhiều nhưng thu nhập không được cải thiện là bao nên tập thể CN thông qua CĐ cơ sở đã đề nghị ban giám đốc xem xét, điều chỉnh. Đinh ninh đã thỏa thuận tăng ca trước với tập thể CN và đã chi trả đủ quyền lợi nên ông Hưng không xem xét kiến nghị của CN khiến họ bức xúc, ngừng việc. Hậu quả là đơn hàng bị trễ và công ty bị khách hàng phạt nặng. Nhìn ra vấn đề, ban giám đốc chủ động ngồi lại với CĐ cơ sở và bức xúc của CN về tiền lương sớm được giải tỏa.
"Đừng ngại đối thoại là lời khuyên của tôi dành cho những người điều hành, quản lý DN. Biết lắng nghe và cùng hợp tác giải quyết mọi gút mắt trong quan hệ lao động, chắc chắn DN sẽ triệt tiêu mầm móng tranh chấp từ gốc" - ông Hưng đúc kết.
Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Đừng để bức xúc âm ỉ
Trong xu thế hội nhập, mọi vấn đề liên quan đến quan hệ lao động tại DN cần phải được giải quyết thông qua đối thoại. Nếu DN không cầu thị và tìm cách né tránh đối thoại, bức xúc dù nhỏ sẽ âm ỉ và bùng phát, quan hệ lao động sẽ đi vào ngõ cụt.
Bên cạnh đó, để hạn chế tranh chấp từ gốc, DN phải chủ động hợp tác với CĐ trong việc hoàn thiện chính sách chăm lo, đãi ngộ nguồn nhân lực. Những quyền lợi cơ bản nhất của CN theo quy định được bảo đảm chính là cơ sở để DN và CĐ cơ sở thương lượng, đàm phán chế độ chăm lo cao hơn cho người lao động.
Bình luận (0)