Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến cách hành xử của mỗi bên, đặc biệt là khi phát sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật đến NLĐ còn gặp nhiều khó khăn khi nhiều DN vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Công đoàn (CĐ). Đáng lo hơn cả là bản thân NLĐ cũng không quan tâm đến những kiến thức cơ bản, thiết thân đến quyền lợi của mình như hợp đồng lao động, lương, thưởng… Đến khi quyền lợi bị xâm phạm thì gánh chịu thiệt thòi về mình.
Phổ biến kiến thức pháp luật cho người lao động
Quá trình hội nhập của đất nước cùng với sự thay đổi của hệ thống pháp luật đòi hỏi tổ chức CĐ phải có bước chuyển mình mạnh mẽ thì mới có thể thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Do vậy, trong 5 năm tới, theo tôi, ưu tiên hàng đầu của các cấp CĐ là tập trung trang bị kiến thức pháp luật cho NLĐ. Để thực hiện mục tiêu này, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở bởi họ là người hiểu công nhân nhất và có thể thực hiện việc hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn trong từng tình huống cụ thể, trong những thời điểm quan trọng của sự việc. Bản thân cán bộ CĐ muốn thực hiện tốt vai trò đại diện thì phải không ngừng trau dồi kiến thức pháp luật để sẵn sàng xung trận trong tình huống tranh chấp phát sinh, chủ động đứng ra thương thuyết vì quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ. Không chỉ đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ trước tòa, CĐ cơ sở còn phải làm tốt việc thương lượng, thỏa thuận, ký kết thỏa ước lao động tập thể… Đại diện thương lượng tốt từ cơ sở giúp NLĐ được hưởng quyền lợi chính đáng, hạn chế thiệt thòi và giảm việc phải dẫn nhau ra tòa hay đình công… vốn không có lợi cho NLĐ.
Song song đó, với hệ thống tư vấn pháp luật của CĐ TP (gồm cả trung tâm tư vấn pháp luật, các tổ tư vấn ở quận - huyện, CĐ KCX - KCN) phải luôn không ngừng đổi mới phương pháp tư vấn, qua nhiều kênh đa dạng. Ngoài nâng cao kỹ năng cho đội ngũ luật gia và cộng tác viên, cần mở rộng tư vấn, tuyên truyền ở các khu trọ hoặc các tụ điểm tập trung đông công nhân, NLĐ. Ngoài kiến thức về pháp luật lao động, cần đa dạng nội dung tư vấn sao cho sát sườn với đời sống NLĐ như cư trú, hộ tịch, hôn nhân gia đình, pháp luật dân sự, hình sự nói chung… NLĐ ngoại tỉnh rất cần các kiến thức cơ bản này để có thể thích ứng với cuộc sống nơi đất khách quê người. Hệ thống tư vấn pháp luật CĐ cần xây dựng cơ chế thoáng để có thể mời gọi các chuyên gia hoặc liên kết với các tổ chức trên nhiều lĩnh vực để có thể thỏa mãn nhu cầu tư vấn pháp luật rất đa dạng của NLĐ, tạo thành địa chỉ tin cậy cho NLĐ về các khía cạnh của đời sống chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực lao động. Làm tốt điều này sẽ giúp CĐ phát huy chức năng đại diện, bảo vệ NLĐ.
Bình luận (0)