PHẠM LAN KHUÊ (quận 7, TP HCM) hỏi: "Bộ Luật Lao động quy định việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động (NLĐ) nhưng không quy định rõ quy trình xử lý thế nào. Xin hỏi trước khi buộc NLĐ bồi thường thiệt hại do có hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản thì doanh nghiệp có cần phải tổ chức họp như xử lý kỷ luật lao động không?".
Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC, Đoàn Luật sư TP HCM, trả lời: Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại được quy định tại điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Cụ thể, khi phát hiện NLĐ có hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động (NSDLĐ), tài sản khác do NSDLĐ giao hay có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì NSDLĐ yêu cầu NLĐ tường trình bằng văn bản về vụ việc.
Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày NLĐ có các hành vi gây thiệt hại nêu trên, NSDLĐ tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 2 điều này. Nội dung cuộc họp xử lý bồi thường thiệt hại phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp theo quy định. Trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.
Bên cạnh đó, quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải được ban hành trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại. Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải nêu rõ mức thiệt hại; nguyên nhân thiệt hại; mức bồi thường thiệt hại; thời hạn, hình thức bồi thường thiệt hại và được gửi đến các thành phần phải tham dự họp theo quy định.
Bình luận (0)