ĐOÀN VĂN THANH (huyện Củ Chi, TP HCM) hỏi: "Tháng 6-2022, do sơ suất, tôi có làm hư hỏng dụng cụ làm việc của công ty. Tuy nhiên, đến đầu tháng 2-2023, công ty mới tổ chức họp xử lý và yêu cầu tôi bồi thường thiệt hại. Xin hỏi công ty xử lý bồi thường thiệt hại vào thời điểm này có đúng quy định pháp luật không?".
Ông TRẦN VĂN TRIỀU, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, trả lời: Theo quy định tại điều 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại là 6 tháng kể từ ngày người lao động (NLĐ) có hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động (NSDLĐ), tài sản khác do NSDLĐ giao hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ hay tiêu hao vật tư quá định mức cho phép. Không xử lý bồi thường thiệt hại đối với NLĐ đang trong thời gian quy định tại khoản 4 điều 122 Bộ Luật Lao động (NLĐ nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của NSDLĐ; đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 125 của bộ luật này; NLĐ mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi). Khi hết thời gian quy định tại khoản 4 điều 122, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên. Như vậy, nếu ông Thanh không thuộc các trường hợp tạm hoãn xử lý bồi thường thiệt hại thì đã hết thời hiệu để công ty tiến hành xử lý bồi thường thiệt hại.
Bình luận (0)