Tại buổi tọa đàm “Tiền lương tối thiểu (LTT) và an sinh xã hội” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh tổ chức sáng 16-9 tại Hà Nội, TS Đặng Đức Đạm, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, cho rằng tuy LTT vùng đã tăng liên tục nhưng thực chất mức LTT vùng hiện nay vẫn chưa bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ). Do đó, cần tiếp tục điều chỉnh để đạt được mục tiêu đề ra là LTT phải bảo đảm mức sống tối thiểu.
NLĐ chưa đủ sống
Theo phân tích của TS Đạm, việc tăng LTT có quan hệ trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế, vì vậy, LTT sẽ hiệu quả nhất nếu được xác định hài hòa giữa yếu tố: đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. “Muốn vậy, cần xác định mức tăng hợp lý và hài hòa lợi ích của các bên” - TS Đạm nói. Ở góc độ khác, TS Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo (Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng nêu thực tế đáng lưu tâm: Mỗi lần tăng LTT là một lần tạo làn sóng tăng giá “đón đầu”, “ăn theo” diễn ra trên phạm vi toàn quốc và nhanh chóng tước đi những lợi ích danh nghĩa mà người nhận lương được hưởng từ tăng lương danh nghĩa. Điều đó khiến lương thực tế và mức sống thực tế đôi khi lại kém đi so với trước khi tăng lương.
PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng LTT không chỉ bảo đảm tái sản xuất cho bản thân NLĐ mà còn phải bảo đảm nuôi dưỡng con cái họ ở mức tối thiểu cần thiết và một phần để tái sản xuất sức lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. “Trong nền kinh tế thị trường, mục tiêu xã hội của LTT là để bảo đảm công bằng xã hội nhằm ngăn chặn bóc lột sức lao động và chống đói nghèo. Còn mục tiêu kinh tế, LTT là để khuyến khích NLĐ và chia sẻ lợi ích mà tăng trưởng kinh tế mang lại” - bà Hương phân tích.
Nghịch lý: Lương “chết đói” vẫn sống đàng hoàng
Đối với lực lượng lao động trong khu vực nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức), TS Đặng Đức Anh đánh giá mức tiền lương hiện nay rất thấp và thấp hơn khu vực sản xuất kinh doanh. “Cán bộ, công chức, viên chức chưa thể sống bằng tiền lương; thu nhập ngoài lương lớn là một trong những nguyên nhân của tiêu cực, tham nhũng” - TS Đặng Đức Anh nêu vấn đề.
Trong tham luận của mình, TS Đặng Đức Anh cũng đánh giá tiền lương chi trả hiện nay chưa thật gắn chặt với vị trí, chức danh và hiệu quả công tác, chất lượng cung cấp dịch vụ công. “Lương của một tiến sĩ, trưởng phòng nghiên cứu khoa học có thâm niên ngót 30 năm cũng chỉ bằng lương của một người giúp việc trong gia đình trung lưu hiện nay và thấp hơn lương trung bình của một tài xế taxi ở Hà Nội”.
TS Đặng Đức Đạm thì cho rằng: “Người ta thường đề cập một nghịch lý. Đó là cứ nói tiền lương “chết đói” nhưng nhiều cán bộ, công chức vẫn sống đàng hoàng. Kêu là lương thấp nhưng để vào được biên chế rất khó khăn và không ít trường hợp phải “chạy chọt” mới vào được. Chỉ có thể giải thích là có thu nhập ngoài lương lớn, nhiều khoản thu nhập chưa đưa vào lương. Mặt khác, có thực tế là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang làm việc với hiệu suất và chất lượng rất kém, kém đến mức mà ngay cả tiền lương thấp như hiện nay cũng không xứng đáng nhận”. Từ đánh giá này, TS Đạm đề xuất để cải cách tiền lương hiệu quả, cần có nguồn để tăng lương và nâng cao hiệu suất công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cần công khai các khoản thu nhập ngoài lương
TS Đặng Đức Đạm cho rằng để tạo nguồn cải cách tiền lương trong cán bộ, công chức, cần bớt một phần vốn đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước để đầu tư cho con người trong bộ máy hành chính nhà nước; thực hiện triệt để chủ trương đưa tất cả các khoản bao cấp vào tiền lương (xe công, điện thoại, nhà ở…); công khai hóa, tiến tới quản lý các khoản thu nhập ngoài lương của công chức.
Về giải pháp nâng cao hiệu suất công tác, TS Đạm cho rằng cần có bản mô tả công việc, vị trí việc làm rõ ràng của từng cán bộ, công chức ở từng cơ quan. Tổ chức lao động khoa học, nâng cao hiệu suất công tác, tăng cường kỷ luật lao động và đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức một cách thực chất.
Bình luận (0)