Tại hội nghị, đại diện một số DN phản ánh những khó khăn khi thực hiện Luật BHXH sửa đổi. Đơn cử, các DN FDI thường xuyên phải sử dụng chuyên gia nước ngoài. Những lao động này vốn đã đóng BHXH ở nước bản địa, khi sang Việt Nam làm việc lại phải đóng thêm một lần BHXH nữa là quá nhiều. Ngoài ra, đối với các DN biến động lao động thường xuyên, việc quản lý sổ BHXH gặp nhiều khó khăn, đồng thời làm tăng chi phí và nhân lực để xử lý. Cùng với đó, nhiều DN cũng cho rằng việc đóng BHXH cho lao động có hợp đồng ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng cũng bất hợp lý bởi có khi họ chỉ thử việc vài ngày rồi nghỉ làm.
Một vấn đề khác mà rất nhiều DN có ý kiến là mức đóng BHXH của Việt Nam ở mức cao, làm giảm tính cạnh tranh về chi phí nhân công của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Giải thích điều này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định mức đóng BHXH của Việt Nam không cao. “Điều 90 Luật BHXH quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là lương, phụ cấp và các khoản khác. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa thực hiện mà chỉ đóng BHXH dựa trên tiền lương cấp bậc, chức vụ và một số khoản phụ cấp có tính chất lương” - ông Lợi nhấn mạnh. Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng cho biết hiện Việt Nam chưa có ký kết tương trợ về thực hiện BHXH với các nước nên lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam vẫn phải tuân thủ quy định này.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến tháng 10-2016, cả nước có gần 15.700 DN FDI tham gia BHXH, BHYT, BHTN (tăng 5,2% so với năm 2015), chiếm 7,6% tổng số DN tham gia, với tổng số lao động là hơn 3,6 triệu người. Năm 2016, dự kiến tổng số thu các loại hình bảo hiểm trong nhóm DN FDI là 69.027 tỉ đồng (tăng 20,4% so với năm 2015). Riêng tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN khối DN FDI là 2.098 tỉ đồng, chiếm 3,9% tổng số phải thu của khối DN FDI.
Bình luận (0)