Sau hơn 11 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), số người tham gia BHTN ở nước ta liên tục tăng qua từng năm. Đặc biệt, trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng như đại dịch Covid-19 ở Việt Nam thời gian qua, khi nhiều lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, chính sách BHTN đã giúp người lao động (NLĐ) có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường lao động nhanh hơn nhờ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí...
Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp tăng 40%
Trong năm 2020, số NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) trên cả nước tăng khoảng 35% và số tiền chi trả TCTN lên tới gần 16.200 tỉ đồng (tăng 40% so với năm 2019). Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chính sách BHTN đã thực sự trở thành điểm tựa cho NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống. Quỹ BHTN cũng giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho NLĐ; giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.
Ông Bình cho biết đa phần NLĐ sau khi mất việc đều trông chờ vào chế độ BHTN. Tính đến hết tháng 11-2020, cả nước có hơn 1.028.000 người nộp hồ sơ hưởng BHTN (tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó 986.416 người đã có quyết định hưởng TCTN (tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2019)...
"Điều này cho thấy chính sách BHTN đã thành công, thu hút đông đảo NLĐ và doanh nghiệp tham gia và cũng bảo đảm cuộc sống cho nhiều người không may bị thất nghiệp" - ông Bình khẳng định.
Lao động mất việc tại tỉnh Bình Dương làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp Ảnh: ĐỖ TRỌNG
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Hà Nội, cho biết từ đầu năm đến nay Trung tâm DVVL Hà Nội đã tiếp nhận giải quyết gần 85.000 NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng BHTN và được tư vấn giới thiệu việc làm (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2019). Hằng năm, Trung tâm DVVL Hà Nội còn tiếp nhận hơn 300.000 lượt người đến thông báo tình trạng tìm kiếm việc làm hằng tháng (mỗi tháng trung bình khoảng gần 30.000 lượt người). Số NLĐ được hỗ trợ học nghề là hơn 3.000 người. Riêng 10 tháng của năm 2020, trung tâm đã tiếp nhận giải quyết 77.386 NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng BHTN.
Đề xuất nâng mức hỗ trợ học nghề
Theo ông Đào Duy Hiện, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), ước tính đến ngày 31-12-2020, số người tham gia BHTN đạt khoảng 13,27 triệu người, với số tiền thu đạt 18.056 tỉ đồng.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy những năm đầu triển khai chính sách BHTN, số người hưởng TCTN còn tương đối thấp với thời gian hưởng ngắn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số chi các chế độ BHTN so với số thu vào quỹ BHTN bắt đầu gia tăng, từ 52% năm 2015 lên 70% năm 2019 và chỉ trong 10 tháng của năm 2020, tỉ lệ này tăng lên khoảng 90%. Nếu 10 tháng của năm 2020, toàn quốc có 12.737 người được hỗ trợ học nghề thì ước tính đến ngày 31-12-2020 đã có 15.107 người được hỗ trợ học nghề.
"Có thể thấy trong bối cảnh hiện nay, BHTN đã thật sự trở thành chỗ dựa của hàng triệu NLĐ, không chỉ giúp họ có nguồn tài chính trong giai đoạn khó khăn mà còn hỗ trợ kinh phí giúp đào tạo lại nghề cho NLĐ, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của thị trường lao động" - đại diện BHXH nhìn nhận.
Ông Vũ Trọng Bình cho biết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với hệ thống trung tâm DVVL, các đơn vị BHXH đã giải quyết chính sách BHTN cho NLĐ kịp thời, thực sự giúp NLĐ bảo đảm duy trì cuộc sống. Trong năm 2021, Cục Việc làm sẽ tiếp tục đổi mới tư duy và phương pháp làm việc để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chính phủ các chính sách phù hợp. Cục Việc làm cũng đang nghiên cứu để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan chế độ hỗ trợ học nghề theo hướng nâng mức hỗ trợ, đa dạng hình thức hỗ trợ, linh hoạt về thời gian hỗ trợ, cải tiến quy trình hỗ trợ học nghề bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính...; phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy nghề phù hợp nhu cầu của người sử dụng lao động; đẩy mạnh hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế về hỗ trợ học nghề cho NLĐ nhằm tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BHTN.
Tham gia BHTN, người lao động được hưởng các quyền lợi gì?
* Được hưởng TCTN theo quy định (thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN, sau đó cứ đóng thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN, mức hưởng bằng 60% bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc).
* Được hưởng thẻ BHYT (NLĐ hưởng TCTN được hưởng chế độ BHYT theo quy định và được cơ quan BHXH đóng BHYT từ Quỹ BHTN và cấp thẻ BHYT).
* Được hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí.
* Được hỗ trợ học nghề (mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng. Mức hỗ trợ được tính theo tháng, tùy theo từng nghề; thời gian NLĐ được hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng). Ngoài ra, NLĐ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm thông qua doanh nghiệp.
Bình luận (0)