“Dù Luật Công đoàn (CĐ) đã quy định rõ doanh nghiệp (DN) có hoặc không có CĐ cũng phải trích nộp 2% kinh phí song thực tế, nhiều DN vẫn cố tình vi phạm. Trên địa bàn huyện, chỉ 50% DN không có CĐ và 70% DN đã có CĐ đóng kinh phí đầy đủ. Số còn lại không đóng hoặc đóng không đủ nhưng chúng tôi không có biện pháp chế tài” - ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM, cho biết về tình hình thu kinh phí CĐ kể từ khi Luật CĐ (sửa đổi) có hiệu lực.
Xử phạt, buộc truy nộp
Không riêng gì TP HCM, ở nhiều tỉnh, thành, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực CĐ, nhất là về kinh phí CĐ, cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đức Ý, Chủ tịch CĐ Các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay: “Trước khi tham gia công tác CĐ, tôi từng là thanh tra lao động. Trong các đợt kiểm tra tại KCN, đoàn không ít lần gặp phải trường hợp DN không đóng kinh phí CĐ và đã nhắc nhở, thậm chí lập biên bản xử lý nhưng vẫn không thu hồi được nợ kinh phí CĐ. Đến nay, tình trạng nợ kinh phí CĐ vẫn tồn tại mà chưa có biện pháp nào đủ sức răn đe. Cuối cùng thì đoàn viên và người lao động (NLĐ) chịu thiệt thòi”.
Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CĐ do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây, hầu hết đại biểu là cán bộ CĐ chuyên trách các tỉnh, TP đều thống nhất việc nâng mức xử phạt đối với những sai phạm trong lĩnh vực CĐ. Trong đó, hành vi không đóng, đóng không đủ đối tượng hoặc không đúng mức kinh phí CĐ có thể bị xử phạt lên tới 75 triệu đồng và buộc truy nộp số tiền kinh phí chưa đóng, chậm đóng cộng với số tiền lãi của khoản nợ đọng.
Tán thành với biện pháp chế tài, đặc biệt là mức xử phạt được nêu trong dự thảo, bà Mai Thị Kim Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tây Ninh, cho rằng mức xử phạt cao không chỉ có ý nghĩa răn đe DN chây ì mà còn hỗ trợ CĐ cấp trên trong việc đôn đốc, xử lý DN né tránh việc trích nộp kinh phí.
Sẽ kiện doanh nghiệp chây ì
Thống nhất với việc nâng cao mức xử phạt nhưng nhiều cán bộ CĐ vẫn băn khoăn về tính khả thi khi nghị định được ban hành và đi vào cuộc sống. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), kiến nghị: “Mức xử phạt đó với những DN có ý thức chấp hành thì không cao nhưng với DN cố tình tránh né, chây ì thì thấp hay cao họ cũng không đóng. Với các trường hợp bất chấp như vậy thì biện pháp xử lý tiếp theo như thế nào, đề nghị phải quy định rõ”.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết sắp tới sẽ cùng Bộ Tài chính ký kết liên tịch về công tác thu kinh phí CĐ. Theo đó, DN không đóng đủ kinh phí CĐ, không đóng BHXH cho NLĐ thì khoản tiền đó sẽ không được khấu trừ chi phí hợp lý, hợp lệ để tính thuế thu nhập DN. “Việc trích nộp kinh phí CĐ là có lợi cho cả DN và NLĐ bởi sau khi DN trích nộp, CĐ cơ sở được nhận lại 65% để chăm lo cho NLĐ. Ngược lại, DN sẽ không được lợi gì khi trốn tránh việc đóng kinh phí CĐ. Với mức phạt cao hơn, Tổng LĐLĐ Việt Nam hy vọng sẽ nâng ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực CĐ của DN. Về lâu dài, đối với trường hợp sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính mà DN vẫn không thực hiện và không có biện pháp khắc phục hậu quả thì cách giải quyết tốt nhất là CĐ sẽ khởi kiện ra tòa” - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết.
Kính phí CĐ dùng để chăm lo cho NLĐ
Điều 26 Luật CĐ (sửa đổi) năm 2012 quy định tất cả DN, dù có hay chưa có CĐ cơ sở, đều phải trích nộp kinh phí 2% (trên tổng quỹ tiền lương đóng BHXH cho NLĐ). Quyết định 1935/QĐ-TLĐ về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính CĐ có hiệu lực từ ngày 1-1 cũng quy định rõ: Sau khi trích nộp, CĐ cơ sở được sử dụng 65% số kinh phí, 60% đoàn phí cho các hoạt động chăm lo cho NLĐ tại đơn vị. Đối với các cơ quan, tổ chức, DN chưa thành lập CĐ cơ sở thì CĐ cấp trên được phân cấp thu kinh phí CĐ khi nhận được kinh phí của cơ quan, tổ chức, DN đóng, được sử dụng 65% tổng số thu để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho NLĐ tại đơn vị.
Bình luận (0)