Mặc dù quy định về việc thưởng Tết cũng như báo cáo mức thưởng Tết chưa được luật hoá thành các điều khoản cụ thể Luật Lao động, song đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đã công bố mức thưởng Tết cho người lao động( NLĐ).
Nhiều mức thưởng Tết "khủng"
Đánh giá về tình hình thưởng Tết nguyên đán năm 2018, đại diện Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) đã trả tiền lương bình quân cho NLĐ tăng cao hơn khoảng 7% đến 9% so với năm 2016. Đối với thưởng Tết âm lịch 2018, mức thưởng Tết được nhiều DN dự kiến chi trả bình quân tăng hơn so với năm trước khoảng 5,5% đến 8%.
Tết âm lịch Mậu Tuất, mức thưởng bình quân là 3.700.000 đồng/người, tăng 8,8% so với năm trước. DN có mức thưởng cao nhất là 50.850.000 đồng/người và DN có mức thưởng thấp nhất là 800.000 đồng/người. Khối DN có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước mức thưởng bình quân của khối DN này là 3.850.000 đồng/người, tăng 7% so với năm trước. Trong đó, DN có mức thưởng cao nhất là 30.000.000 đồng/người và DN có mức thưởng thấp nhất là 600.000đồng/người.
Thưởng Tết vẫn luôn là khoản được trông chờ nhất với người lao động.
Khối DN dân doanh có mức thưởng bình quân là 3.950.000đồng/người, tăng 5,5% so với năm trước. DN có mức thưởng cao nhất là 60.000.000 đồng/người và DN có mức thưởng thấp nhất là 650.000 đồng/người. Khối DN FDI có mức thưởng bình quân là 4.600.000 đồng/người. DN có mức thưởng cao nhất là 325.000.000 đồng/người và DN có mức thưởng thấp nhất là 700.000đồng/ người.
Tại TP HCM, thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP HCM, mức thưởng Tết dương lịch của một ngân hàng nước ngoài với mức 1,5 tỉ đồng. Mức thưởng Tết 2018 đã vượt con số thưởng Tết 1 tỉ đồng, do một DN FDI chi trả tại TP HCM trong dịp Tết 2017. Trái ngược với TP HCM và Hà Nội, mức thưởng Tết cao nhất tại Đà Nẵng lại thuộc về một DN cổ phần có vốn góp của Nhà nước với mức thưởng cao nhất 300 triệu đồng vào dịp Tết âm lịch 2018.
Đãi ngộ là yếu tố then chốt
Rõ ràng dù không được quy định trong Luật nhưng thưởng Tết đã trở thành nhân tố quan trọng trong quan hệ lao động giữa DN và người lao động. Kết quả khảo sát của VietnamWorks cũng chỉ ra rằng, khi được hỏi về việc không được thưởng Tết năm nay, 1/4 số nhân viên tham gia khảo sát cho biết họ sẽ nghỉ việc và tìm nơi khác có phúc lợi tốt hơn.
40% cho biết họ sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị DN về thưởng Tết. Nhóm cảm thấy thất vọng nhưng không dám phản ứng vì khó tìm việc khác chiếm 13,7%; và chỉ có 6,9% cho rằng không quan tâm vì thu nhập đã đủ chi tiêu cho năm mới.
Báo cáo của VietnamWorks cũng chỉ ra 3 hình thức thưởng Tết được NLĐ mong đợi nhất cũng như DN cho rằng là hợp lý nhất lần lượt là: Thưởng theo tình hình kinh doanh lợi nhuận; Thưởng theo kết quả công việc; Thưởng lương tháng 13, xếp loại công việc, xếp loại phòng.Tuy nhiên, NLĐ tham gia khảo sát cho rằng họ chưa thực sự nhận được thưởng Tết như mong đợi. Cụ thể, top 3 những mức thưởng mong muốn của nhân viên đều không nằm trong mức thưởng mà họ thực sự được nhận nhiều nhất.
Theo kết quả khảo sát, các gói phúc lợi mang tầm quan trọng rất lớn trong việc giữ chân nhân tài, trong đó 64.3% DN cho rằng phúc lợi tốt giúp nhân viên muốn gắn kết lâu dài với công ty. Về phía nhân viên, tỷ lệ người tham gia khảo sát có đồng quan điểm này là 62.5%. Bên cạnh đó, quan điểm các gói phúc lợi là động lực "giúp nhân viên muốn cống hiến tốt hơn cho công việc" được 28% DN lựa chọn. Về phía nhân viên, có 31.2% người tham gia khảo sát đồng tình với quan điểm này.
Dù thừa nhận phúc lợi tốt góp phần giữ nhân tài, nhưng cũng chỉ 1/2 DN khảo sát có ý định cải thiện gói phúc lợi, vì cho rằng các chế độ phúc lợi hiện tại là tốt.
Tuy nhiên có ¼ số nhân viên tham gia khảo sát đang trong tình trạng "không hài lòng" với gói phúc lợi hiện tại ở mức độ khác nhau, 90% trong số này có ý định tìm việc mới trong 6 tháng tới. Đáng chú ý, có đến 76.7% trong số họ cũng có ý định tìm việc có phúc lợi tốt hơn.
Bình luận (0)