Trong 2 ngày 22 và 23-6, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 18 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường. Hội nghị đã tập trung thảo luận các nội dung: Dự thảo báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu Nghị quyết Đại hội Công đoàn (CĐ) Việt Nam lần thứ XI đề ra; tờ trình về việc ban hành hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam về CĐ khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tập thể; báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH về chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động (NLĐ)...
Nhiều hạn chế
Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25-2-2016 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ” có hiệu lực từ tháng 2-2016. Đây là nghị quyết mang tính lịch sử của tổ chức CĐ khi lần đầu tiên một nghị quyết đi vào vấn đề rất cụ thể - đó là bữa ăn của NLĐ.
Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết đến hết ngày 13-6, theo báo cáo của 74/82 LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành trung ương, CĐ tổng công ty, đã có 20.160 doanh nghiệp (DN) có CĐ cơ sở tổ chức bữa ăn giữa ca cho NLĐ (chiếm 51,98% tổng số CĐ cơ sở). Trong số DN thực hiện hỗ trợ, tổ chức bữa ăn giữa ca, có 15.998 DN có mức ăn với giá trị từ 15.000 đồng trở lên, chiếm 79,88%. Bên cạnh đó, 9.449 CĐ cơ sở đã ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) có nội dung về bữa ăn giữa ca của NLĐ (chiếm 40,51%), trong đó có 7.612 TƯLĐTT giá trị bữa ăn đạt từ 15.000 đồng trở lên, chiếm 83,88%. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế (24/82 CĐ cấp tỉnh, TP chưa gửi văn bản chỉ đạo triển khai tới các cấp CĐ). Có nơi chưa mạnh dạn đưa giải pháp ngừng việc tập thể nếu không thương lượng được nội dung bữa ăn giữa ca cho NLĐ hoặc đưa giải pháp khởi kiện nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể vào các văn bản triển khai thực hiện của cấp mình. Tỉ lệ TƯLĐTT ký kết có nội dung bữa giữa ăn ca còn thấp (40,51%). Tỉ lệ DN có tổ chức CĐ nhưng chưa thực hiện chế độ bữa ăn giữa ca cho NLĐ còn khá cao (48,02%) và 20,12% bữa ăn của NLĐ có giá trị thấp hơn so với nghị quyết đề ra.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh đây là nghị quyết lịch sử, lần đầu tiên đi vào vấn đề rất cụ thể của tổ chức CĐ nhưng sau một thời gian triển khai, số CĐ cơ sở đưa vào TƯLĐTT còn ít, chưa đạt được yêu cầu. “Nếu không đôn đốc, nhắc nhở thì nghị quyết sẽ rơi vào quên lãng, đề nghị các cấp CĐ từ nay đến cuối năm phải thực hiện nhiệm vụ này cho tốt” - ông Hải lưu ý.
Không cứng nhắc trong việc khởi kiện
Tại hội nghị, các đại biểu còn dành nhiều thời gian cho ý kiến tờ trình việc ban hành hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam về CĐ khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể.
Bàn về vấn đề thẩm quyền khởi kiện thuộc cấp CĐ nào, bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, đề nghị hướng dẫn không nên quy định rõ cấp CĐ nào khởi kiện mà cần quy định chung. Theo đó, nơi nào có TAND cùng cấp thì CĐ cấp đó có thể khởi kiện được. Còn ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách kinh tế - xã hội và Thi đua - khen thưởng, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng cấp nào có TAND thì CĐ cấp đó có thể khởi kiện.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại muốn thẩm quyền khởi kiện giao cho LĐLĐ tỉnh. Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường, trong điều kiện hiện nay, nên quy định như trên nhưng có quy định mở là LĐLĐ tỉnh có thể ủy quyền cho cấp dưới khởi kiện. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng CĐ khởi kiện tại tòa án là một phương thức hoạt động CĐ trong tương lai và điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do vậy, ưu tiên hàng đầu là cần nêu rõ được từng phần việc của CĐ tham gia khởi kiện để CĐ từng cấp ra tòa án nắm chắc mình phải làm những gì.
Tranh chấp lao động giảm
Dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu Nghị quyết Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XI (giai đoạn 2013-2015) đánh giá trong hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ, CĐ đã có nhiều nỗ lực trong việc tham gia cải cách chính sách tiền lương. Tổng LĐLĐ Việt Nam kiên trì bảo vệ quan điểm trong các diễn đàn Quốc hội, Hội đồng Tiền lương quốc gia… Sau 3 năm thực hiện, tiền lương tối thiểu vùng tăng bình quân 13,5% mỗi năm, đã đạt được 87% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình… Với những nỗ lực của các cấp CĐ, tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong những năm qua có xu hướng giảm mạnh với 1.146 cuộc (giai đoạn 2013-2015), giảm 798 cuộc so với giai đoạn 2010-2012.
Bình luận (0)