xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Robot thách thức lao động Việt

VĂN DUẨN

Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đòi hỏi người lao động phải nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nếu như không muốn bị mất việc làm và bị thay thế bởi những robot trong tương lai không xa

Đây là vấn đề được đặt ra tại buổi đối thoại chính sách việc làm trong thời gian tới với chủ đề “Việt Nam cần làm gì để đáp ứng được thay đổi về công nghệ và nhu cầu kỹ năng lao động”, do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 13-12 ở Hà Nội.

Chỉ 20,6% lao động có bằng cấp

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan nhấn mạnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2016, trong tổng số 54,36 triệu lao động cả nước, chỉ có hơn 11,21 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm 20,6%. Đáng lưu ý là lao động được đào tạo trong ngành kỹ thuật, công nghệ còn chiếm tỉ trọng thấp và chúng ta đang thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện hoặc lao động trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp (DN), tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, tự động hóa. Theo thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 tính theo sức mua tương đương chỉ bằng 5,6% Singapore; 8,3% Nhật Bản; 15,2% Malaysia; 36,3% Trung Quốc; 36,9% Thái Lan và bằng 54,3% Philippines. Nếu giữ nguyên tốc độ tăng năng suất lao động như những năm qua, Việt Nam sẽ mất nhiều chục năm nữa để bắt kịp các nước trong ASEAN cũng như các nước tiên tiến khác trên thế giới.

Trong xu thế hội nhập, người lao động cần phải có kỹ năng nghề để giữ việc làm Ảnh: KHÁNH AN
Trong xu thế hội nhập, người lao động cần phải có kỹ năng nghề để giữ việc làm Ảnh: KHÁNH AN

Tại buổi đối thoại, nhiều chuyên gia cho rằng 2 ngành sản xuất chủ đạo và đang tăng trưởng của Việt Nam gồm dệt may - da giày và ngành chế tạo các sản phẩm điện, điện tử là tâm điểm của câu chuyện trong việc phải đối mặt với KHCN. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh dệt may - da giày là những ngành bị đe dọa nhiều nhất dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chẳng hạn vừa rồi, Tập đoàn Hồng Hải của Trung Quốc sử dụng 60.000 robot để thay thế cho công nhân trong ngành sản xuất điện tử.

Hay như ở Nhật Bản, có 16.000 cửa hàng không cần nhân viên bán hàng. Rõ ràng, KHCN tác động rất lớn đến lao động giản đơn trình độ thấp. “86% lao động trong ngành dệt may và điện tử ở nước ta có nguy cơ mất việc làm do tự động hóa cao; 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành điện, điện tử có thể bị thay thế bởi robot” - ông Lộc nói.

Trong bối cảnh đó, theo ông Lộc, vấn đề quan trọng nhất là thay đổi công nghệ nhưng làm sao bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động (NLĐ). Còn ông David Lamotte, Phó Giám đốc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh công nghệ thay đổi liên tục với tốc độ rất nhanh, điều đó có thể tạo ra việc làm mới nhưng cũng có thể xóa bỏ một số loại hình công việc. “Chúng ta không nên đặt vấn đề “liệu có hay không” mà vấn đề chỉ là diễn ra “khi nào” mà thôi” - ông David Lamotte nói.

Thiếu kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo

Một khảo sát được thực hiện bởi Viện Khoa học Lao động và Xã hội chỉ ra rằng gần 50% DN được khảo sát tại Việt Nam không có dự báo về nhu cầu kỹ năng trong tương lai; 38% DN cho rằng không có sự kết nối giữa DN và cơ sở đào tạo.

Ông David Lamotte khuyến nghị Việt Nam nên cải thiện kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động thông qua sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo để hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng nghề, đón đầu những xu hướng thay đổi ở nơi làm việc và những đổi mới công nghệ. Bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh Văn phòng Cấp cao Công ty TNHH Canon Việt Nam, cho biết việc tự động hóa đã diễn ra tại Canon Việt Nam từ nhiều năm. Cách đây khoảng 6-7 năm, có lúc DN này sử dụng 13.000 lao động nhưng giờ chỉ là 8.000 lao động bởi nhiều công việc đã được robot đảm nhận thay cho NLĐ. Do đó, phải có chiến lược rõ ràng thay thế công nghệ. Tự động hóa kết hợp với con người để đạt năng suất công nghệ tốt, giá thành cạnh tranh.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra với tốc độ chóng mặt, ập đến như cơn bão trong 10-15 năm tới, thậm chí nhanh hơn. Rõ ràng, câu chuyện của Canon gợi mở một vấn đề thực tế là chúng ta đang phải cạnh tranh với người máy. “Cần lập ngay hội đồng kỹ năng nghề của từng hiệp hội DN, cuộc cách mạng này tác động đến ngành mình như thế nào để trình kiến nghị lên Chính phủ. Nếu không, chúng ta sẽ thua” - ông Lộc bày tỏ. Bà Đào Hồng Lan cho rằng để hành động cụ thể không chỉ có một phía. Nhà nước, các bộ ngành và bản thân NLĐ cũng phải hành động. Chính phủ cần có chính sách ưu tiên DN đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo và dạy nghề. Kỹ năng đánh giá của NLĐ phải đổi mới mạnh mẽ kể cả đại học và dạy nghề.

“Chúng ta phải đầu tư vào con người. DN phải chủ động phối hợp với các viện nghiên cứu để thay đổi cách thức quản lý. Về phía NLĐ, tránh học ra rất nhiều, nhưng đáp ứng yêu cầu thị trường không có. Phải xác định học suốt đời nếu không sẽ bị đào thải. Tôi nghĩ là trách nhiệm của tất cả các bên” - bà Lan cho biết.

Nhiều ý kiến khẳng định tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng là do giữa các trường nghề và DN chưa thực sự gắn kết. “DN không chỉ là chủ thể đầu tư mà cần trực tiếp tham gia vào giảng dạy đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa thị trường, chính bản thân DN cũng là trường học cho NLĐ” - ông Lộc nhấn mạnh. Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thiên Lý, Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10, cho rằng máy móc thay thế con người thực sự là thách thức cho các DN về giải quyết việc làm. Khi đứng trước thách thức này, DN rất mong nhà nước hỗ trợ cho các DN đào tạo lao động có chất lượng, nếu không thì DN phải đào tạo lại, rất tốn kém.

Đồng tình, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính nói đây là thách thức cần đặt ra một cách nghiêm túc với Chính phủ, DN và tổ chức Công đoàn. Nếu không, khi có tác động, trong tương lai chúng ta gặp khó khăn hơn về việc làm. Theo ông Chính, trước đây, Bộ Luật Lao động có quỹ đào tạo lại, nhất là cho lao động nữ. Cho đến nay, sau nhiều lần sửa đổi, chúng ta đã bỏ đi. Do đó, phải tính toán có nên xem xét sửa đổi Bộ Luật Lao động, có nên thành lập quỹ đào tạo lại cho NLĐ hay không.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo kỹ năng cần được tăng tốc hơn nữa để đáp ứng được khi DN thay đổi công nghệ, đồng thời phải xây dựng được các chính sách bảo vệ quyền của NLĐ”.

(Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo