"Gần 11 năm qua, tôi chỉ làm một công việc, cùng một trụ sở, cho cùng một người sử dụng lao động là ông Hans-Jurgen Oskar Muller - trưởng VPĐD Saigon Express Agency Limited nhưng người ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với tôi lại là bà Đinh Thị Minh Nguyệt (Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Đức và Việt) và người cho tôi nghỉ việc là bà Đỗ Ngọc Minh Châu (Giám đốc Công ty TNHH Đại lý Sài Gòn Nhanh). Chính sự nhập nhằng giữa 3 đơn vị trên trong việc giao kết và chấm dứt HĐLĐ đã khiến tôi bị mất việc một cách oan uổng, thiếu minh bạch". Chị Nguyễn Thị Thùy Loan (quận Bình Tân, TP HCM) đã mang nỗi ấm ức ấy đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi.
Làm một nơi, ký một nẻo
Theo hồ sơ vụ việc, tháng 10-2006, chị Loan được ông Muller trực tiếp phỏng vấn và tuyển dụng làm việc tại VPĐD Saigon Express Agency Limited với chức danh nhân viên dịch vụ giao nhận vận tải trong nước và quốc tế. Đến tháng 8-2007, chị mới được ký HĐLĐ, song không phải ký với VPĐD Saigon Express Agency Limited mà là với Công ty TNHH Quốc tế Đức và Việt (quận 4, TP HCM). Công ty này cùng sử dụng chung văn phòng với VPĐD Saigon Express Agency Limited, do bà Đinh Thị Minh Nguyệt (vốn là nhân viên của VPĐD) là đại diện pháp luật. "Khi đó tôi nghĩ đó là sự sắp xếp về tổ chức, hoạt động của người sử dụng lao động là ông Muller nên không nghi ngờ gì" - chị Loan nhớ lại.
Chị Nguyễn Thị Thùy Loan đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi
Tháng 12-2012, giấy phép hoạt động của VPĐD Saigon Express Agency Limited hết hạn, không được cấp lại nhưng trên thực tế hoạt động của văn phòng này vẫn diễn ra bình thường. Chị Loan vẫn tiếp tục làm việc dưới sự quản lý của ông Muller và ông David Gregory Muller (con trai ông Muller).
Tháng 2-2015, Công ty TNHH Đại lý Sài Gòn Nhanh được thành lập với 2 thành viên góp vốn là bà Đỗ Ngọc Minh Châu và ông David. Công ty này cũng dùng chung văn phòng với Công ty Đức và Việt. Kể từ thời điểm này, mảng dịch vụ giao nhận vận tải trong và ngoài nước được Công ty Sài Gòn Nhanh tiếp quản. Chị Loan và gần 10 nhân viên từng làm việc cho VPĐD tiếp tục chịu sự điều hành và quản lý của 2 cha con ông Muller. Tuy nhiên, bắt đầu từ thời điểm đó, HĐLĐ của các nhân viên lần lượt được chuyển từ Công ty Đức và Việt sang Công ty Sài Gòn Nhanh. Trước khi chuyển, các nhân viên đều phải viết đơn xin nghỉ việc tại Công ty Đức và Việt.
Đẩy người lao động khỏi chỗ làm
Tháng 8-2016, tới lượt chị Loan được yêu cầu chuyển HĐLĐ. Song thời điểm đó chị đang có thai, sợ ảnh hưởng đến chế độ thai sản nên chị xin tạm hoãn. Ngày 1-6-2017, hết thời gian nghỉ thai sản, chị Loan trở lại làm việc thì được ông Muller và bà Châu yêu cầu viết đơn xin nghỉ việc tại Công ty Đức và Việt để chuyển sang ký HĐLĐ với Công ty Sài Gòn Nhanh. "Tin lời, tôi đã làm theo. Tuy nhiên, sau đó công ty không tiến hành ký HĐLĐ mà bất ngờ thông báo cho tôi nghỉ việc vào ngày 30-6 với lý do công ty gặp khó khăn, không có việc làm. Trong buổi nói chuyện cùng ngày hôm đó (có ghi âm), ông David và bà Châu đã đề nghị đền bù cho tôi 2 tháng lương cơ bản nhưng tôi không đồng ý" - chị Loan bức xúc.
Làm việc với phóng viên, bà Đinh Thị Minh Nguyệt phủ nhận việc VPĐD Saigon Express Agency Limited mượn danh Công ty Đức và Việt để ký HĐLĐ. Bà Nguyệt cho biết chính bà là người đăng thông tin tuyển dụng lên báo, trực tiếp phỏng vấn và tiếp nhận chị Loan vào Công ty Đức và Việt làm việc. Hiện công ty đã giải quyết cho chị Loan nghỉ việc theo nguyện vọng. Bà Nguyệt cũng khẳng định VPĐD, Công ty Sài Gòn Nhanh và Công ty Đức và Việt tuy ở chung một văn phòng (để tiết giảm chi phí) nhưng hoạt động độc lập. "Công ty chỉ có mối quan hệ với VPĐD trước đây vì với vai trò xúc tiến thương mại, chính họ đã đem các hợp đồng giao nhận vận tải đến cho chúng tôi. Thời điểm giấy phép của VPĐD hết hạn, ông Muller vẫn là người đại diện của đối tác nước ngoài nên việc thường xuyên trao đổi với chị Loan và các nhân viên trong công ty về các vấn đề liên quan đến đơn hàng phụ trách là chuyện bình thường" - bà Nguyệt nói.
Bà Đỗ Ngọc Minh Châu cũng quả quyết Công ty Sài Gòn Nhanh không hề liên quan đến 2 doanh nghiệp kia. Bà Châu cũng khẳng định chỉ mới tiếp nhận chị Loan vào thử việc. Song trong 1 tháng thử việc, thấy chị Loan không đáp ứng yêu cầu nên cho nghỉ. "Việc chúng tôi nói trả 2 tháng lương cho chị Loan không phải là tiền bồi thường chấm dứt HĐLĐ vì thực tế hai bên chưa ký HĐLĐ chính thức. Do từng là đồng nghiệp cũ, thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của chị Loan bị mất việc làm khi đang nuôi con nhỏ nên đó là khoản công ty hỗ trợ để chị Loan mua sữa, tã cho con" - bà Châu giải thích.
Đâu là sự thật?
Tuy phủ nhận sự việc với phóng viên song trong đoạn tin nhắn giữa chị Loan và bà Nguyệt trong Viber ngày 2-6-2017 lại thể hiện thông tin trái ngược. Theo đó, khi chị Loan thông báo về việc Công ty Sài Gòn Nhanh yêu cầu làm đơn xin nghỉ việc tại Công ty Đức và Việt để chuyển sang ký HĐLĐ với Công ty Sài Gòn Nhanh thì bà Nguyệt trả lời: "Vụ dời tên nhân viên thì làm hết rồi mà. Lúc trước em nói do ảnh hưởng đến thai sản nên đi làm lại mới dời". Bà Nguyệt còn thông tin thêm bên Công ty Sài Gòn Nhanh dời nhân viên về là để đưa vào chi phí nhằm giảm tiền đóng thuế.
Bình luận (0)