Với hệ thống đào tạo nghề kép, người học đã có việc làm ngay khi còn đi học. Người học biết được công việc của mình sau khi ra trường bởi đó chính là nơi mình thực tập. Còn doanh nghiệp (DN), nơi học viên làm việc cũng nhìn rõ ai sẽ là nhân viên tương lai trong vài năm tới. Đó là lý do khiến cả thế giới tìm đến nước Đức học tập mô hình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.
Hợp tác đào tạo nghề
Tại Bệnh viện Herzogin Elisabeth ở TP Braunschweig (bang Niedersachsen), người phụ trách phát triển nguồn nhân lực bệnh viện cho biết năm 2024, bệnh viện cần 12 nhân viên điều dưỡng để thay thế 12 nhân sự sẽ về hưu. Vì thế, ngay từ bây giờ, bệnh viện sẽ tiến hành đào tạo số lượng nhân sự kế cận này để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao. Đó là cách các bệnh viện, viện dưỡng lão tại Đức đang làm để ổn định nhân sự cho đơn vị của mình. Họ luôn có kế hoạch dài hạn cho việc phát triển chất lượng nguồn nhân sự được đào tạo bài bản, giỏi chuyên môn để có thể nhận việc ngay khi có vị trí việc làm để lại bởi người về hưu hoặc chuyển công tác.
Nói như thế để biết rằng những người đang được đào tạo nghề tại Đức là đã có chỗ làm bởi cách tính toán, phân bổ nhân sự của DN. Các DN không để dư thừa bất cứ lao động được đào tạo nào, trừ khi người đó không đạt yêu cầu.
Học viên nước ngoài học thực hành nghề cơ khí ôtô tại nhà máy của hãng Mercedes-Benz
Trong hệ thống đào tạo nghề kép của Đức, sự gắn kết giữa chính phủ và DN thể hiện qua việc hai bên cùng đầu tư vào hệ thống đào tạo nghề, cùng phối hợp phát triển các ngành nghề đào tạo, xây dựng các tiêu chuẩn và tổ chức kiểm tra, đánh giá người học. Để hỗ trợ DN tham gia đào tạo, chính phủ sẽ đầu tư vào các trung tâm đào tạo chất lượng cao để đào tạo bổ sung các nội dung mà DN không đủ năng lực đào tạo. Sự gắn kết này bảo đảm đào tạo sát thực tiễn cũng như sự đồng thuận giữa các bên và cộng đồng về những quyết định trong đào tạo nghề. Nói cách khác, sự gắn kết này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Chính phủ muốn DN tham gia đào tạo nghề nhằm đáp ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động và giảm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nghề. Còn DN tham gia đào tạo để có nguồn lao động chất lượng cao, vừa tiết kiệm chi phí tuyển dụng vừa không phải đào tạo lại. Mặt khác, DN cũng thu được lợi từ sự đóng góp của người học trong quá trình đào tạo và cũng là thực hiện trách nhiệm với xã hội.
Chất lượng hàng đầu
Dù luôn ở trong tình trạng khan hiếm nhân lực ở một số ngành nghề như điều dưỡng, nhà hàng - khách sạn, xây dựng… nhưng không vì thế mà các cơ sở đào tạo nghề tại Đức xem nhẹ chất lượng để chạy theo số lượng. Đào tạo ở Đức chỉ có mục tiêu duy nhất là chất lượng. Dù là đào tạo kép hay đào tạo thông thường thì chất lượng đào tạo luôn đặt lên hàng đầu.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, một điều dưỡng viên theo học nghề đã tốt nghiệp tại Đức, cho biết lớp của chị có 27 học viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó người Đức chiếm hơn một nửa. Lần thi tốt nghiệp đầu tiên, lớp chị chỉ có 10 người đủ điều kiện tốt nghiệp, còn lại phải thi 2 - 3 lần mới đậu. Chị Thúy là người nước ngoài duy nhất nằm trong nhóm 10 người đậu lần đầu nên hiểu rõ quy trình đào tạo của Đức. "Với người Đức, họ chấp nhận không có người làm chứ không thể để người không có kỹ năng vào làm việc. Vì thế, nếu không được đào tạo bài bản, đặc biệt là không có ý chí phấn đấu, người học khó lòng vượt qua thử thách trong suốt quá trình học" - chị Thúy bày tỏ.
Chuyện chất lượng đào tạo không chỉ ở phần thực hành tại nơi làm việc mà còn ở chính trường dạy nghề. Chúng tôi đến thăm nhiều trường dạy nghề và quan sát thấy trường nào cũng trang bị đầy đủ trang thiết bị thực hành cần thiết cho người học. Ngay cả khi học lý thuyết tại trường dạy nghề, học viên cũng được làm quen với các thiết bị phục vụ cho công việc đang theo đuổi. Mỗi học phần là một phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại và sẵn sàng cho học viên thực tập cho đến khi có kết quả như mong muốn.
Đề cao trách nhiệm xã hội
Bộ Luật đào tạo nghề năm 1969 của CHLB Đức được coi là nền tảng quan trọng của hệ thống đào tạo nghề kép. Bộ luật này đưa ra các điều khoản chi tiết và nhấn mạnh trách nhiệm của xã hội đối với việc đào tạo nghề. Bảo đảm cho người học nghề có việc làm ngay sau khi đào tạo và giới chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm với học viên học nghề.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-12
Kỳ tới: Yếu tố để thành công
Bình luận (0)