Được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin nhưng chàng kỹ sư Nguyễn Trọng Nhân, Tổ trưởng vận hành thiết bị - Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn), lại có duyên với ngành nước và gặt hái được nhiều thành công dù tuổi đời còn trẻ.
Dám nghĩ, dám làm
Năm 2011, anh Nhân vào làm việc cho đơn vị thi công dự án giảm thất thoát nước vùng 2. Học trái ngành nên khi đảm nhận công việc vận hành dự án, anh gặp rất nhiều trở ngại, phần vì thiếu kiến thức và không có nhiều thời gian tiếp cận các thiết bị, máy móc được nhập từ nước ngoài. Cũng do đặc thù công việc nên anh thường làm xuyên đêm, điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Anh Nguyễn Trọng Nhân (bìa phải) giới thiệu sáng kiến bộ mạch điều khiển tự động.Ảnh: THANH NGA
Khó khăn là vậy nhưng anh không nản lòng, trái lại luôn tìm mọi cách để khắc phục. Không chỉ tham gia các khóa huấn luyện của các hãng cung ứng thiết bị, anh còn mày mò tìm hiểu thêm kiến thức chuyên ngành, nhờ đó chỉ sau một năm, anh có thể nắm bắt tốt công việc. Năm 2015, dự án hoàn thành và được giao về cho các đơn vị của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, trong đó có Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân. Để thuận tiện cho công tác bảo hành, anh cũng xin về làm việc cho đơn vị này cho đến nay.
Gắn bó từ đầu với với dự án nên anh Nhân hiểu rõ thuận lợi lẫn khó khăn của anh em công nhân (CN). Vì vậy, ở đơn vị mới, anh đã đề xuất nhiều ý tưởng cải tiến giúp giảm thiểu rủi ro cho họ trong quá trình làm việc. Trong đó phải kể đến việc di dời thiết bị điều khiển của van quản lý áp lực trong hầm lên tủ tín hiệu DMA.
Trước đây, để mở nút tăng giảm áp thì công ty phải điều xe cẩu, máy bơm đến mở nắp hầm. CN phải xuống hầm để thao tác rất cực. Mặt khác, do việc này thực hiện vào ban đêm nên có nhiều rủi ro cho người đi đường. Ý tưởng di dời thiết bị điều khiển van quản lý áp lực lên tủ điều khiển của Nhân không chỉ giúp CN thao tác thuận tiện hơn và tránh được rủi ro không đáng có mà công ty cũng tiết kiệm được chi phí.
Một sáng kiến độc đáo khác của Nhân là "Sử dụng nguồn năng lượng xanh để vận hành tủ tín hiệu DMA". Trước đây, nguồn năng lượng cung cấp cho thiết bị vận hành tủ tín hiệu DMA chủ yếu là pin nhập khẩu. Loại pin này hạn chế về thời gian truyền tải và gây ảnh hưởng đến môi trường. Từ thực tế trên, anh nảy ra ý tưởng chủ động nguồn năng lượng cho tủ tín hiệu. Cùng với nhiều đồng nghiệp, anh đã nghiên cứu sử dụng nguồn năng lượng mặt trời thay thế cho nguồn cung cấp pin, vừa giải quyết vấn đề chi phí quản lý, vận hành vừa bảo vệ môi trường. Sáng kiến này giúp đơn vị tiết kiệm 7 tỉ đồng mỗi năm.
Nỗ lực vượt khó
Một kỹ sư có nhiều cải tiến, làm lợi cho doanh nghiệp tiền tỉ mỗi năm là chị Võ Thị Ngọc Diễm, Điều hành sản xuất line Cá đỏ Công ty CP Sài Gòn Food (KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP HCM).
Tốt nghiệp kỹ sư chế biến thủy sản Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM (nay là Trường ĐH Công Thương TP HCM), chị Diễm về làm việc tại Công ty CP Sài Gòn Food. Ngày đầu tiên đi làm, chị rất bất ngờ khi được bố trí làm CN trực tiếp phi lê cá. Thế nhưng, khi được tổ trưởng giải thích rằng khi bất cứ lao động nào vào công ty làm việc, dù tốt nghiệp trường nào, bằng cấp gì cũng phải làm CN trực tiếp, chị mới hiểu ra vấn đề.
Chị Võ Thị Ngọc Diễm (trái) trao đổi chuyên môn cùng đồng nghiệp .Ảnh: HỒNG ĐÀO
"Đó là khoảng thời gian đáng nhớ bởi khi cùng làm việc với anh chị em CN, tôi vỡ vạc ra nhiều điều" - chị Diễm cho hay. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chị Diễm trở thành cán bộ điều hành sản xuất và có nhiều sáng kiến giá trị.
Trong số đó, chị Diễm tâm đắc với sáng kiến "Cải tiến thao tác kỹ thuật nhổ xương cá bằng nhíp sang dùng dao". Khách hàng chính của Sài Gòn Food là thị trường Nhật, luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, khi một quy trình sản xuất được triển khai, họ luôn có các chuyên gia người Nhật giỏi kỹ thuật theo dõi sát sao. Vì thế, việc thuyết phục khách hàng chấp nhận không đơn giản.
Gần 3 tháng trời ròng rã vừa cải tiến vừa rút kinh nghiệm, chị đã giúp DN giải quyết được những hạn chế ở công đoạn nhổ xương. Quy trình này giúp tăng năng suất lao động 10%, bảo đảm định mức theo yêu cầu của khách hàng tăng 1%-2%. Giải pháp này cũng bảo đảm chất lượng sản phẩm cung cấp vô các bệnh viện và viện dưỡng lão, trường học tại Nhật Bản. Mỗi năm chị có khoảng 8-10 sáng kiến, làm lợi cho công ty khoảng 2 tỉ đồng.
Chị Diễm cho hay doanh nghiệp ngành thủy sản rất khó tuyển lao động do điều kiện làm việc đặc thù. Khi tuyển được rồi, việc giữ người lại càng khó do vậy việc đào tạo và truyền cảm hứng cho người mới luôn được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc bồi dưỡng tay nghề tại chỗ cho 48 CN, chị còn tham gia huấn luyện lớp trung cấp thủy sản (do công ty phối hợp với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ tổ chức) với 65 CN theo học.
Bình luận (0)