Năm 2023 là năm đáng nhớ với anh Hồ Vĩnh Phú (SN 1990), quản lý phân xưởng Công ty TNHH Jabil Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM). Giải pháp của Phú đã đoạt giải nhất dự án cải tiến tốt nhất công ty, lọt vào tốp 8 dự án cải tiến tốt nhất Jabil toàn cầu và anh còn đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng.
Anh Hồ Vĩnh Phú thuyết trình với ban giám đốc công ty về một giải pháp hữu ích
Sáng kiến tiền tỉ
Sinh ra trong một gia đình mẹ là giáo viên, cha là nông dân tại tỉnh Tiền Giang, từ nhỏ, Phú đã đam mê máy móc, công nghệ. Tốt nghiệp ngành quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP HCM, anh vào Công ty TNHH Jabil Việt Nam làm việc.
Làm việc ở một tập đoàn đa quốc gia dù phải chịu áp lực rất lớn nhưng Phú xem đây là cơ hội để phát triển bản thân. Do vậy, anh luôn đòi hỏi cao với chính mình. Với anh, học hỏi, rèn luyện và sáng tạo là việc phải làm mỗi ngày.
Ở cương vị quản lý, mục tiêu mà Phú luôn hướng đến là tối ưu hóa sản xuất và tiết kiệm chi phí nhằm mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp (DN). Qua theo dõi, anh nhận thấy các dây chuyền sản xuất luôn chạy với công suất thấp hơn thiết kế, chưa kể chênh lệch về hiệu suất giữa các chuyền.
Nhờ đeo bám sản xuất nên anh không khó phát hiện nguyên nhân làm ảnh hưởng hiệu suất của chuyền, chủ yếu xuất phát từ con người, như năng suất lao động không ổn định, sự chênh lệch về năng lực làm việc giữa các vị trí, vấn đề tuân thủ kỷ luật… Từ đó, năm 2021, anh đã đề xuất thực hiện giải pháp "Tự động hóa dây chuyền gia công và lắp ráp sản phẩm".
Với giải pháp tự động hóa các công đoạn lắp ráp nắp trên, bo mạch - màn hình và tự động đóng gói sản phẩm của Phú, chỉ sau một tháng vận hành thử và chỉnh sửa, dây chuyền hoạt động trơn tru hơn. Sau 3 tháng thử nghiệm tiếp theo, dây chuyền ổn định hơn và được nhà máy triển khai rộng rãi từ năm 2022. Giải pháp này của anh không chỉ giúp tăng gấp đôi sản lượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà còn tiết kiệm không gian cho nhà máy.
Năm 2023, anh Phú tiếp tục đề xuất nâng cấp giải pháp "Tự động hóa dây chuyền gia công và lắp ráp sản phẩm" lên giai đoạn 2. Giải pháp này đã lọt vào tốp 2 dự án cải tiến khu vực châu Á và tốp 8 của Jabil toàn cầu.
Mỗi năm, những giải pháp, sáng kiến của anh Phú đã làm lợi cho DN từ 1,9 - 2,8 tỉ đồng. Đặc biệt, một số sáng kiến của anh đã được áp dụng cho những nhà máy của Jabil tại các quốc gia khác.
Không chỉ vững chuyên môn, Phú còn trực tiếp huấn luyện, bồi dưỡng tay nghề cho gần 800 kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân (CN) trực tiếp sản xuất… Anh đã kèm cặp, đào tạo 1 kỹ thuật viên thành kỹ sư trưởng, 10 kỹ thuật viên thành kỹ sư, 60 CN thành kỹ thuật viên.
Nhìn lại chặng đường đã qua, anh Phú bộc bạch: "Jabil là một tập đoàn toàn cầu nên yêu cầu khắt khe với người lao động (NLĐ). Nếu dừng lại, NLĐ sẽ bị bỏ lại phía sau. Vì thế, không chỉ tôi mà tất cả NLĐ đều phải nỗ lực mỗi ngày".
Anh Võ Duy Phương, kỹ thuật viên Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (ngồi), cùng các đồng nghiệp
Tận tâm với thợ trẻ
Làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia luôn là niềm mơ ước của anh Võ Duy Phương (SN 1990). Sinh ra trong một gia đình nông dân có đến 5 anh chị em tại Bình Định nên Phương chọn học cao đẳng để nhanh ra trường, tìm được việc làm. Tốt nghiệp ngành điện - điện tử Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, anh làm việc vài nơi trước khi vào Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu Công nghệ cao TP HCM) làm kỹ thuật viên bộ phận sửa chữa thiết bị năm 2017.
Như cá gặp nước, chàng trai này không ngừng học hỏi, rèn luyện nhằm đáp ứng yêu cầu của DN. Không chỉ theo học các khóa thiết kế cơ khí, lập trình phần mềm, Phương còn học liên thông đại học tại Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai). Chí tiến thủ cùng sự nhẫn nại giúp anh trở thành người thợ đầu đàn chuyên giải quyết nhiều "ca khó" tại nhà máy.
Tại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, thiết bị khi gặp trục trặc phải gửi đi nước ngoài sửa chữa, không chỉ tốn kém chi phí cho DN mà còn khiến sản xuất bị ảnh hưởng. Năm 2020, Phương đã đưa ra giải pháp "Thiết kế thiết bị thử tải và kiểm tra lỗi cho đầu gắn sản phẩm giúp tiết kiệm chi phí". Thiết bị này giúp kỹ thuật viên nhanh chóng kiểm tra được lỗi của bộ phận hư hỏng, chạy thử tải, từ đó rút ngắn thời gian sửa chữa bằng nguồn lực tại chỗ. Sáng kiến này giúp công ty tiết kiệm một số tiền lớn cho việc sửa chữa cũng như giảm thời gian chờ từ 1 tuần xuống còn 2 giờ từ khi áp dụng.
Phương cho biết để có được những ý tưởng độc đáo, anh phải dành nhiều thời gian tham khảo tài liệu và giữ liên hệ chặt chẽ với các bộ phận chuyên trách trong suốt quá trình thử nghiệm. "Vui nhất là khi hay tin các giải pháp được triển khai đại trà tại nhà máy khác của tập đoàn. Điều đó khẳng định chất xám của mình đã được DN công nhận, áp dụng" - anh bày tỏ.
Hướng đến mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực lâu dài cho nhà máy, Phương còn dành thời gian huấn luyện, đào tạo ở các lớp nâng cao kỹ năng nghề cho 416 CN. Đến nay, nhiều người đã trở thành nhân sự giỏi ở các bộ phận. Ông Nguyễn Công Hoàng, Trưởng Bộ phận Sửa chữa thiết bị Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, nhận xét: "Phương là nhân viên nổi trội tại bộ phận chúng tôi. Tinh thần sáng tạo, ham học hỏi đã giúp anh cho ra đời những giải pháp tối ưu".
Sáu năm gắn bó với công ty, Phương nhiều lần được DN và Tập đoàn Intel vinh danh, như: Huấn luyện viên xuất sắc ESAP (Equipment Skills Acquisition Program - chương trình đào tạo kỹ năng sửa chữa máy móc); giải cống hiến của Phòng Huấn luyện kỹ thuật trong 2 năm liền 2020, 2021. Năm 2023, anh là huấn luyện viên chính của chương trình ESAP++ để đào tạo thêm các huấn luyện viên khác...
Bình luận (0)