Tại Công ty CP Thực phẩm Cholimex (KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP HCM), ban giám đốc và Công đoàn liên tục phát động các phong trào thi đua nhằm khuyến khích đội ngũ kỹ sư, công nhân phát huy tinh thần sáng tạo. Nhờ vậy, nhiều năm qua, đơn vị này là một trong những "lò đào tạo" thợ giỏi; có nhiều kỹ sư, công nhân được vinh danh tại các giải thưởng uy tín trên cả nước. Trong đó có anh Nguyễn Hoàng Phương, nhân viên bảo trì xưởng cơ khí - chế tạo máy.
Chắt chiu cơ hội
Tốt nghiệp hệ cao đẳng, chuyên ngành cơ khí - chế tạo máy của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM vào năm 2012, anh Phương về Công ty CP Thực phẩm Cholimex làm việc. Bước chân vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, anh khá lo lắng bởi bản thân chưa có kinh nghiệm, tay nghề còn yếu. May mắn là xưởng cơ khí - chế tạo máy, nơi anh làm việc, có nhiều đồng nghiệp rất giỏi nghề, sẵn sàng dìu dắt thợ trẻ.
Được lớp thợ đàn anh tận tình hỗ trợ, anh Phương đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu và nhanh chóng nắm bắt công việc. Nhờ chịu khó nghiên cứu và học hỏi, anh đã tìm ra những giải pháp cải tiến máy móc đem lại giá trị cao cho doanh nghiệp (DN). Điển hình như ý tưởng cải tiến "Máy chiết rót đôi tương ớt PET 2 lít". Trước đây, máy chiết rót đơn có 8 vòi chiết vẫn đáp ứng yêu cầu sản xuất nhưng sau khi DN nhập máy đóng nắp tự động công suất cao thì máy chiết rót đơn không đáp ứng kịp. Ý tưởng cải tiến máy chiết rót đơn thành máy chiết rót đôi (16 vòi chiết) ra đời trong bối cảnh này.
Anh Nguyễn Thọ Trường - Trưởng Ban Cơ điện Nhà máy May An Phú (bên trái) - hướng dẫn công nhân sử dụng thiết bị
Dịch Covid-19 bùng phát khiến việc mua vật liệu chế tạo gặp nhiều khó khăn, do vậy phải mất 5-6 tháng, anh và đồng nghiệp mới chế tạo xong thiết bị mới. Sáng kiến của anh lập tức được triển khai đại trà trong sản xuất, giúp DN tiết kiệm hơn 1 tỉ đồng.
Không chỉ đam mê sáng tạo, ưu điểm khác ở anh Phương là tinh thần ham học hỏi. Từ khi về công ty làm việc, anh luôn tận dụng mọi cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp thâm niên và trang bị thêm kiến thức chuyên ngành. Sau 3 năm gắn bó với công ty, anh đã có thêm tấm bằng cử nhân chuyên ngành cơ khí - chế tạo máy tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM. Nói về động lực giúp anh miệt mài lao động sáng tạo suốt 10 năm qua, Phương bày tỏ: "Sự phát triển của DN buộc lớp thợ trẻ như tôi phải luôn trau dồi, học hỏi không ngừng. Là người thợ, mỗi khi ý tưởng sáng tạo của mình được áp dụng hiệu quả trong sản xuất, tôi rất hãnh diện, xem đó là động lực để tiếp tục phấn đấu".
Với những nỗ lực không ngừng, Nguyễn Hoàng Phương đã giành được nhiều giải thưởng uy tín như: Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2021, Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2020, Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2021.
Thành quả của sự kiên trì
Anh Nguyễn Thọ Trường, Trưởng Ban Cơ điện Nhà máy May An Phú (Công ty CP Garmex Sài Gòn, quận Gò Vấp, TP HCM), cũng là một điển hình lao động sáng tạo.
Quê ở Nghệ An, hơn 20 năm trước, anh Trường vào TP HCM lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Đam mê máy móc nên khi mới vào thành phố, anh vừa đi làm vừa theo học một khóa ngắn hạn về sửa máy may rồi vào làm việc tại Công ty CP Garmex Sài Gòn. Dù chỉ là công nhân sửa máy may nhưng anh rất chuyên tâm làm việc, sẵn sàng chấp nhận thử thách tại nhiều nhà máy khác nhau của công ty trước khi được bố trí làm việc cố định tại Nhà máy May An Phú. Chính khoảng thời gian được điều chuyển qua nhiều nơi là cơ hội để anh tích lũy kiến thức lẫn kỹ năng nghề. Từ đó, anh có nhiều ý tưởng cải tiến, sửa chữa máy móc, dù nhỏ nhưng mang lại hiệu quả.
Tiêu biểu là sáng kiến "Cải tiến máy đính bọ điện tử thành máy lập trình" trong thời gian làm việc "3 tại chỗ" năm 2021. Từ nửa cuối năm 2021, công ty chuyển đổi mặt hàng gia công từ may mặc sang thủ công nghiệp. Nhiều loại máy cũ không phù hợp để sản xuất các mặt hàng mới trong khi việc nhập thiết bị từ nước ngoài ở thời điểm đó không thể thực hiện. Anh đã tìm cách cải tiến các máy đính bọ điện tử đang chờ thanh lý của công ty. Để thực hiện ý tưởng nói trên trong giai đoạn giãn cách xã hội, Trường và đồng nghiệp trong tổ đã vất vả tìm vật liệu và tự làm tất cả công đoạn.
Kết quả của nỗ lực đó là máy lập trình được cải tiến từ máy đính bọ đã thành công, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và giúp công nhân giảm độ khó khi tiếp cận sản phẩm mới. Nhờ khẳng định được năng lực chuyên môn, anh Trường được ban giám đốc tin tưởng bổ nhiệm vị trí trưởng ban cơ điện. Để đáp ứng vai trò mới, anh không chỉ cập nhật kiến thức hằng ngày để không bị tụt hậu mà còn theo học nhiều khóa đào đạo ngắn hạn. Gặt hái khá nhiều thành công nhưng anh Trường vẫn khiêm tốn nói: "Tôi yêu máy móc và lúc nào cũng suy nghĩ cách cải tiến nó ngày càng tốt hơn. Ý tưởng sáng tạo càng thêm ý nghĩa khi giúp anh chị em công nhân tăng năng suất lao động và thu nhập".
Tay nghề là tài sản quý nhất của người lao động. Người thợ có tay nghề cao và óc sáng tạo luôn được DN coi trọng. Vì vậy, mỗi người thợ phải không ngừng học tập để nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ. Đó là cách tốt nhất để giữ việc làm và tự tạo cơ hội thăng tiến cho bản thân".
Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM
Bình luận (0)