Một ngày đẹp trời, có anh bạn đọc là nhà văn khá tên tuổi quê Cà Mau đang sống và làm việc tại TP HCM gọi điện cho tôi: "Mía sâu có đốt, sao lại mần ăn như vậy?". Tôi chưa kịp hỏi thì anh đã nói luôn: "Có cái công ty trên Bình Dương thách thức pháp luật kìa. Họ công khai tuyên bố không tuyển lao động là dân Cà Mau. Dân xứ tui hiền lành, chất phác, lam lũ làm ăn, nếu có ai đó quậy phá này nọ thì cũng chỉ có người; sao lại đánh đồng cả làng, cả huyện, cả tỉnh, cả triệu dân Cà Mau như vậy?".
'người Cà Mau" dễ thương vầy...
Từ bức xúc của anh bạn già, chúng tôi đã điều tra, xác minh và thấy rằng chuyện của anh nói là có thật. Tuy nhiên, nếu không tận mắt xem bản án của TAND Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thì chúng tôi cũng không dám tin, cái chuyện phân biệt vùng miền ấy được các quan tòa thừa nhận và... không có ý kiến gì!
Chuyện xảy ra tại Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Hoa Nét, địa chỉ đường số 11, KCN VSIP2, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Công ty này có đến 6.000 công nhân (CN). Hẳn là công ty có chủ trương không tuyển "người Cà Mau" nên khi phát hiện trong số lao động hiện hữu của công ty có "người Cà Mau", ngày 27-7-2013, giám đốc nhân sự là bà Nguyễn Thị Sơn Bình, đã gởi thông báo về "Cải thiện chất lượng tuyển dụng" cho những người có liên quan, đính kèm theo là danh sách lao động Cà Mau đã... lỡ tuyển dụng!
... mà lại bị "cấm cửa" là sao?
Thông báo của bà Sơn Bình có nội dung: "Vấn đề sàng lọc khi tuyển dụng và lưu ý không tuyển người Cà Mau đã đề cập cụ thể, trực tiếp với các bạn từ đầu năm. Tuy nhiên tình trạng thiếu sàng lọc, sàng lọc không kỹ vẫn xảy ra, các bạn vẫn tuyển nhiều thành phần mới nhìn hình thức bên ngoài đã thấy không chấp nhận được. Danh sách đính kèm là các bạn từ Cà Mau, thể hiện rõ ràng là các bạn vẫn liên tục tuyển dụng, phớt lờ chỉ thị đặt ra. Vì vậy yêu cầu các bạn triệt để lưu ý, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, yêu cầu từ cấp trên, quy định của công ty phải nghiêm túc tuân thủ, không chấp nhận ngoại lệ, linh động giải quyết, gởi gấm... Các trường hợp tiếp tục vi phạm, thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ bị xử lý nghiêm. Lần cuối, yêu cầu các bạn lưu ý và thực hiện nghiêm túc"".
Ngay khi nhận được thông báo của giám đốc nhân sự thì lập tức trưởng phòng nhân sự, bà Trần Thị Thanh Lan, tiếp tục gởi thông báo đến bộ phận mình phụ trách để "quán triệt" tinh thần chỉ đạo của cấp trên. Bà Thanh Lan viết rằng cần lưu ý các vấn đề sau: Không tuyển CN người Cà Mau, không tuyển CN không làm được ca đêm...
Tất nhiên là chỉ thị này được các nhân viên dưới quyền của lãnh đạo công ty răm rắp chấp hành. Chỉ có một người cho rằng quy định này là trái Hiến pháp và pháp luật, trái đạo lý nên phản ứng. Kết quả là người ấy bị xử lý kỷ luật.
Sau khi vự việc bị kiện ra TADN Thành phố Thủ Dầu Một thì phát sinh rất nhiều tình tiết... lạ. Trong đó có việc đại diện công ty mang những bằng chứng phân biệt vùng miền của mình đến nộp cho tòa để chứng minh nhân viên kia đã làm sai, vi phạm nội quy kỷ luật khi không chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo gạt bỏ mấy anh, mấy chị Hai Lúa Cà Mau khỏi cơ hội việc làm tại Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Hoa Nét. Rồi thì là chuyện công ty cho 4 nhân viên bảo vệ vào nơi làm việc "khiêng bổng" anh nhân viên dám cả gan tuyển dụng "người Cà Mau" kia, áp giải đi một đoạn đường 400m từ cuối nhà xưởng lên đầu nhà xưởng vì anh này từ chối lên văn phòng để họp...
Như vậy là tiếp theo Thanh Hóa- Nghệ An- Hà Tĩnh, Cà Mau được đưa vào "danh sách đen" của một số nhà tuyển dụng ở tỉnh Bình Dương. Việc làm này có ngang nhiên chà đạp lên Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hay không?
Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Hoa Nét đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật?
* Điều 16 Hiến pháp 2013:
1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
* Điều 35 Hiến pháp 2013:
1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.
2. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.
3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.
* Điểm a, khoản 1 điều 5 Bộ Luật Lao động 2012: Người lao động có các quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử...
(Còn tiếp)
Bình luận (0)