Đọc được thông tin “Việc nhẹ, lương trên 2,5 triệu đồng/người/tháng” đăng trên Facebook, Trần Thị Lan Phương, sinh viên (SV) Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, phấn khởi, hy vọng có việc làm thù lao khá để mua vé xe về quê đón Tết.
Mất tài sản vì thiếu cảnh giác
Khi điện thoại đăng ký, Phương được người tên Tuấn hẹn phỏng vấn. Tìm đến địa chỉ nhận việc qua email, Phương mới biết đó là một quán cà phê. Sau khi nghe Tuấn quảng cáo công việc nhàn hạ, mức lương hấp dẫn, Phương đồng ý nhận việc. Tuấn cam kết sẽ dẫn Phương đến trụ sở công ty tham quan, nhận tài liệu về làm tại nhà sau khi đã ký hợp đồng. Lấy lý do để quên hợp đồng ở công ty, Tuấn ngỏ ý mượn Phương xe máy (trị giá hơn 20 triệu đồng) về lấy hợp đồng. Thấy Phương bán tín bán nghi, Tuấn đưa cho Phương điện thoại iPhone và đồng hồ đeo tay “làm tin”. Ngồi đợi gần 2 giờ, không thấy Tuấn quay lại, số điện thoại cũng không liên lạc được, Phương biết mình đã bị lừa mất chiếc xe máy. “Mang 2 vật làm tin ra cửa hàng, tôi mới biết đó chỉ là hàng Trung Quốc, giá chỉ hơn 1 triệu đồng” - Phương kể.
Dù có đề phòng nhưng N.T.Nh (SV năm 4 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM) vẫn mất tài sản khi tìm việc. Cũng qua internet, Nh. được nhà tuyển dụng hẹn ra quán cà phê phỏng vấn. Người phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên tuyển dụng của một công ty truyền thông hăng hái giới thiệu cho Nh. và nhiều SV khác về đặc thù ngành nghề, cơ hội việc làm ổn định và thăng tiến sau khi tốt nghiệp. Kết thúc buổi nói chuyện, “nhà tuyển dụng” này tiếp nhận hồ sơ và hứa sẽ liên lạc lại. Sau khi người phụ nữ rời quán, Nh. và nhiều ứng viên phát hiện mình bị móc mất điện thoại di động, ví tiền. Gần 2 tuần trôi qua, Nh. chưa nhận bất kỳ liên lạc nào từ “nhà tuyển dụng” nói trên.
Thông tin tuyển dụng “ảo”
Không mất tài sản đáng giá như Phương hay Nh. nhưng Phạm Thị Thư (SV Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II) cũng nhận bài học nhớ đời khi tìm việc làm Tết. Từ tin tuyển dụng trên internet, Thư đến địa chỉ ở gần bến xe Ngã Tư Ga (quận 12, TP HCM), nộp hồ sơ mới vỡ lẽ đây là nơi môi giới. Nhân viên ở đây cho rằng Thư hợp nhiều việc như PG, phục vụ nhà hàng… với mức lương khoảng 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Nhân viên này yêu cầu Thư nộp 200.000 đồng “phí môi giới”. Thư nhớ lại: “Khi tôi thắc mắc, tư vấn viên giải thích khoản phí này chi trả tiền điện thoại, phí đào tạo ở nơi tiếp nhận người lao động. Mong sớm có việc để kiếm tiền về quê, tôi nộp tiền ngay”. Sau đó, Thư rời chỗ môi giới cùng 5 địa chỉ tuyển dụng ở 5 quận khác nhau trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sau 1 tuần liên hệ, Thư đều nhận được câu trả lời: Đã tuyển đủ người. Tìm hiểu kỹ thông tin, Thư mới biết các tin đăng tuyển của 5 địa chỉ nói trên đã hết hạn từ lâu. Thư quay lại nơi môi giới thì thấy “cửa đóng then cài”.
T.G (SV năm 2 Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) cũng mất 500.000 đồng vì tin lời “cò”. Do bạn cùng khu trọ giới thiệu, G. đến gặp người tên Trung ở quán cà phê trong Làng ĐH Thủ Đức (TP HCM). Người này cam kết sẽ giới thiệu việc làm theo đúng yêu cầu của G. Nhìn danh sách tuyển SV làm thời vụ, lương cao, dài 4 trang giấy, G. không ngần ngại đưa cho Trung 500.000 đồng. Song, khi đến các địa chỉ do trung tâm giới thiệu, G. vẫn không tìm được việc như ý. “Quá nôn nóng tìm việc để kiếm tiền tiêu Tết nên tôi bị lừa. Đây coi như là bài học đắt giá nhất từ khi học ĐH” - G. chia sẻ.
Đề cao cảnh giác
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, quý I/2015, nhu cầu việc làm thời vụ có xu hướng tăng mạnh. Lợi dụng việc SV thiếu cảnh giác, không tìm hiểu kỹ thông tin, nhiều “cò”, cơ sở giới thiệu việc làm “chui” tung tin tuyển dụng “ảo” để trục lợi. Để tìm việc thuận lợi, SV cần theo dõi thông tin thị trường lao động, nhu cầu việc làm (thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm); nắm rõ số lượng, yêu cầu và thời điểm cần cụ thể những việc làm lao động thời vụ.
Bình luận (0)