Phóng viên: Bà nhận định thế nào về xu hướng thay đổi của thị trường lao động trong thời gian tới?
- Bà Nguyễn Phương Mai: Năm 2015, việc nhiều doanh nghiệp (DN) đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam mở ra cho thị trường lao động xu hướng phát triển khả quan. Lao động trong nước từ cấp trung trở lên có thêm nhiều cơ hội việc làm khi các DN, đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, không ngừng mở rộng quy mô và ưu tiên lực lượng lao động tại chỗ. Nhu cầu nhân sự cấp trung - cao trong các nhà máy tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Trong khi đó, số lượng lao động trong nước có khả năng đảm nhận vị trí quản lý lại quá ít. Thực tế trên dẫn đến tình trạng nhân sự cấp trung và cao tại nhiều nhà máy ngày càng khan hiếm.
Các nhà tuyển dụng làm gì để giải bài toán khan hiếm nhân sự cấp cao?
- Thực tế cho thấy DN không ngại trả lương cao cho quản lý người Việt Nam đáp ứng tốt yêu cầu. Có nhà tuyển dụng sẵn sàng trả hơn 100 triệu đồng/tháng cho vị trí giám đốc. Khi xây dựng đội ngũ quản lý tại nhà máy, DN phải cử nhân sự chủ chốt từ công ty mẹ sang quán xuyến công việc với mục đích chuyển giao công nghệ, đào tạo lại lực lượng kế thừa. Bên cạnh đó, những DN sản xuất có chiến lược phát triển nguồn nhân lực bài bản, lâu dài luôn có xu hướng tuyển quản lý trẻ có tố chất lãnh đạo để bồi dưỡng. Không ít DN tuyển quản lý chỉ có hơn 1 năm kinh nghiệm với mức lương 40 triệu đồng/tháng.
Việc DN ưu tiên sử dụng nguồn lao động tại chỗ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, ứng viên vẫn chưa tận dụng lợi thế này để chinh phục nhà tuyển dụng. Bà nhận xét thế nào về thực tế này?
- Lao động trong nước, trong đó có không ít nhân sự cấp cao, vẫn ít có tinh thần học hỏi, nghĩ đến tập thể. Phần lớn ứng viên chỉ chú ý thu nhập chứ chưa quan tâm môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ hội rèn luyện để nâng cao năng lực trong DN. Do mang nặng tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” nên năng suất làm việc của lao động trong nước còn thấp. Đây chính là nguyên nhân khiến người lao động thất nghiệp nhiều dù DN tìm mỏi mắt không ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Vậy theo bà, đội ngũ lao động trong nước cần hành trang gì để hội nhập?
- Ngoài chuyên tâm làm việc, ra sức cống hiến, người lao động, đặc biệt là nhân sự cấp cao, cần trang bị thêm nhiều kiến thức ngoài chuyên môn như kỹ năng lãnh đạo, thuyết phục trước đám đông, tầm nhìn chiến lược... Bên cạnh thu nhập, ứng viên nên chú ý nhiều hơn đến điều kiện học hỏi khi làm việc với chuyên gia nước ngoài, cơ hội rèn luyện, thăng tiến...
Nhân sự cấp trung - cao “nhảy” việc
Tình hình mua - bán, sáp nhập của nhiều tập đoàn, công ty đã diễn ra mạnh mẽ trong thời gian qua. Thực tế này dẫn đến tình trạng thay “máu” chiến lược phát triển, văn hóa của DN. Nhiều cá nhân là nhân sự chủ chốt không thích nghi với sự thay đổi phải chấp nhận ra đi. Vì vậy, từ nay đến sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, tình trạng “nhảy” việc trong khối nhân sự cấp trung - cao vẫn diễn ra.
Bình luận (0)