Thực hiện phán quyết của tòa, vừa qua Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Kim Linh đã chuyển cho LĐLĐ TP Thủ Đức hơn 314 triệu đồng kinh phí Công đoàn (CĐ). Trước đó, do công ty không trích nộp kinh phí CĐ trong một thời gian dài nên LĐLĐ quận Thủ Đức (nay thuộc LĐLĐ TP Thủ Đức) đã quyết định khởi kiện ra tòa.
Răn đe doanh nghiệp chây ì
Bà Đỗ Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức (khi đó là Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Thủ Đức), cho biết doanh nghiệp (DN) này bắt đầu hoạt động từ năm 2007 và không nộp kinh phí CĐ từ tháng 1-2013 đến tháng 12-2019. Sau nhiều lần vận động, nhắc nhở nhưng DN vẫn chây ì, đầu năm 2020 LĐLĐ quận Thủ Đức đã khởi kiện.
Tại phiên xử tổ chức vào tháng 8-2020, phía công ty giải thích từ năm 2012, do DN không còn CĐ cơ sở nên không thể trích nộp kinh phí CĐ. Tuy nhiên, đại diện LĐLĐ quận Thủ Đức đã phản bác bằng chứng cứ pháp lý sắc bén. Cụ thể, theo quy định của Luật CĐ và Nghị định 191/2013/NĐ-CP thì DN có trách nhiệm phải đóng kinh phí CĐ, với mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động (NLĐ). Kinh phí đóng mỗi tháng 1 lần cùng thời điểm đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ. "Đây là nghĩa vụ và trách nhiệm mà DN buộc phải thực hiện dù có hay không có CĐ cơ sở. Cho nên, việc công ty lấy lý do không có CĐ cơ sở để không nộp kinh phí CĐ là không thỏa đáng" - đại diện LĐLĐ quận Thủ Đức khẳng định.
Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM (trái) - trao đổi với cán bộ TAND huyện Bình Chánh về việc khởi kiện doanh nghiệp nợ kinh phí Công đoàn Ảnh: MAI CHI
Trước lập luận xác đáng của LĐLĐ quận Thủ Đức, phía công ty đề nghị được dời thời gian trích nộp kinh phí CĐ sang năm 2022. Thế nhưng, LĐLĐ quận Thủ Đức không chấp thuận. Kết thúc phiên xử, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ nội dung khởi kiện, buộc công ty phải trích nộp toàn bộ kinh phí CĐ giai đoạn 2013-2019, tổng cộng 314,3 triệu đồng cho LĐLĐ quận Thủ Đức.
Cũng theo bà Hiền, đây là lần đầu tiên LĐLĐ quận Thủ Đức khởi kiện DN nợ kinh phí CĐ nên gặp khá nhiều khó khăn. "Vì là lần đầu tiên thực hiện, không rành về trình tự thủ tục, hồ sơ tố tụng nên chúng tôi mất khá nhiều thời gian đi lại. Dù vậy, chúng tôi đã được Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM hỗ trợ nhiệt tình nên vụ án được đưa ra xét xử sau 4 tháng khởi kiện và giành thắng lợi. Ngay sau vụ này, LĐLĐ quận cũng đã khởi kiện 1 DN khác nợ hơn 1,2 tỉ đồng và đã được xử thắng ở phiên xử sơ thẩm cuối năm 2020" - bà Hiền cho hay. Đại diện LĐLĐ TP Thủ Đức cũng nhìn nhận việc khởi kiện không chỉ tạo tiền đề tốt cho những vụ việc tương tự về sau mà qua đó cũng răn đe với các DN khác. Nghe thông tin LĐLĐ thắng kiện, nhiều DN đã chủ động khắc phục nợ kinh phí CĐ.
Bảo đảm nguồn lực chăm lo cho đoàn viên
Huyện Bình Chánh, TP HCM hiện có hơn 25.000 đoàn viên với trên 600 CĐ cơ sở. Thời gian qua, bên cạnh những DN có thực hiện tốt việc trích nộp kinh phí CĐ theo quy định, vẫn còn một số đơn vị chây ì thực hiện nghĩa vụ, gây khó khăn cho hoạt động CĐ và làm ảnh hưởng đến lợi ích của đoàn viên. Trước thực trạng ấy, từ năm 2017, LĐLĐ huyện đã bắt đầu thực hiện việc khởi kiện DN nợ kinh phí CĐ ra tòa. Đây cũng là đơn vị tiên phong trong việc khởi kiện đòi kinh phí CĐ tại TP HCM.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, cho biết từ năm 2017-2020, LĐLĐ huyện đã khởi kiện 26 DN nợ kinh phí CĐ kéo dài với số tiền nợ lớn. Sau khi nộp hồ sơ ra tòa, có 2 DN chủ động xin nộp kinh phí sau khi tòa mời lên làm việc; 22 DN khắc phục toàn bộ, một phần hoặc xin trả dần khi tham gia các phiên hòa giải tại tòa.
Chỉ có 2 công ty đi đến bước xét xử tại tòa là Công ty CP Công nghiệp Giày Thuận Thành (khi bắt đầu khởi kiện DN nợ gần 370 triệu đồng) và Công ty CP Phân phối Tấn Khoa (nợ hơn 845 triệu đồng). Khi diễn ra phiên xử, Công ty CP Phân phối Tấn Khoa xin thỏa thuận khắc phụ nợ, trả dần 2 đợt, còn Công ty CP Công nghiệp Giày Thuận Thành bị tòa xử thua kiện và phải trích nộp kinh phí CĐ. Đến nay, LĐLĐ huyện đã thu hồi được hơn 6,7 tỉ đồng trong tổng số 12,6 tỉ đồng kinh phí CĐ do số DN kể trên còn nợ. Mới đây, LĐLĐ huyện tiếp tục chuyển hồ sơ 8 DN qua tòa và tòa cũng đã thụ lý.
Theo ông Trí, khởi kiện là việc chẳng đặng đừng nhưng tổ chức CĐ buộc phải thực hiện để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng đối với các DN khác. "Trước khi khởi kiện, LĐLĐ huyện đã kiên trì vận động, thuyết phục DN nhiều lần và gửi thông báo yêu cầu đóng kinh phí CĐ ít nhất 2 lần. Sau đó, nếu DN không thực hiện, LĐLĐ huyện sẽ phối hợp cùng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội mời lên làm việc. Trường hợp DN tiếp tục chây ì, chúng tôi chuyển danh sách DN nợ sang Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để tiến hành kiểm tra liên ngành, xử phạt vi phạm hành chính. Đến bước cuối cùng mới khởi kiện" - ông Trí chia sẻ.
Là đơn vị đầu tiên khởi kiện nên LĐLĐ huyện cũng gặp rất nhiều trở ngại. Ngoài việc phải tìm kiếm căn cứ pháp lý khởi kiện, tập hợp bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của DN, đội ngũ cán bộ CĐ phải tốn rất nhiều thời gian đeo đuổi các vụ kiện (thường một vụ án kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm). Chưa hết, DN cũng tìm đủ mọi cách gây khó khăn, kéo dài thời gian giải quyết vụ việc như không đến khi tòa triệu tập; giấy ủy quyền người tham gia tố tụng không hợp lệ; hứa hẹn trả dần nhưng không thực hiện. Tuy nhiên, vì lợi ích lâu dài của NLĐ, mọi khó khăn, trở ngại đều được các cán bộ CĐ khắc phục bằng sự tận tâm. Với những nỗ lực không mệt mỏi đó, trong năm 2020, việc thu kinh phí CĐ của LĐLĐ huyện đạt 118,9% so với chỉ tiêu TP giao, trong đó thu tại các đơn vị chưa có tổ chức CĐ đạt 220% so với chỉ tiêu.
Bà PHẠM NGỌC LAN, Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Phú, TP HCM:
Lan tỏa ý thức chấp hành luật
Thắng lợi từ những vụ kiện nói trên không chỉ giúp các CĐ, nơi khởi kiện, có nguồn tài chính để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên - lao động mà qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các DN, nhất là trong việc khắc phục nợ kinh phí CĐ.
Sau khi một số CĐ cấp trên giành thắng lợi, tại các buổi làm việc với DN nợ kinh phí kéo dài, số nợ lớn, chúng tôi đã đánh tiếng sẽ khởi kiện nếu họ tiếp tục chây ì. Kết quả là đầu năm 2021, một số DN đã liên hệ nộp kinh phí CĐ, trong đó có DN nợ trong 2 năm với số tiền gần 4 tỉ đồng. Nếu như trước đây, mỗi năm chỉ có từ 300-400 đơn vị nộp kinh phí CĐ thì nay có hơn 560 DN thực hiện. Với kết quả này, CĐ sẽ có thêm chi phí hoạt động nhằm chăm lo hiệu quả hơn cho đoàn viên - lao động.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-3
Bình luận (0)