Gặp chúng tôi sau cuộc họp kỷ luật người lao động (NLĐ) mới đây, giám đốc một công ty chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh và chăm sóc cây cảnh tại quận 7, TP HCM than phiền: "Công ty vừa bị khách hàng cắt hợp đồng do nhân viên thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ, chất lượng lao động thấp. Gọi về công ty họp xử lý kỷ luật thì họ không thèm nghe máy".
Thiếu thiện chí
Do đặc thù ngành nghề nên công ty thường xuyên cử nhân viên có tay nghề cao đảm nhiệm công việc chăm sóc khách hàng ở các tỉnh. Số nhân viên này được tuyển lựa khá kỹ dựa trên 3 tiêu chí: trung thực, trách nhiệm và tận tâm. Để khuyến khích nhân viên làm việc, công ty xây dựng nhiều chính sách ưu đãi như phụ cấp nhà trọ, đi lại, cơm trưa. Với chính sách đãi ngộ này, thu nhập của nhân viên ở tỉnh cao hơn đồng nghiệp tại TP HCM từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, thay vì đáp lại sự quan tâm ấy của ban giám đốc, một số nhân viên lại yêu sách kiểu "được voi đòi tiên".
Người lao động luôn mong muốn có được việc làm ổn định
Nhắc lại vụ xử lý kỷ luật lao động gần chục nhân viên làm việc tại một mục tiêu ở tỉnh Đồng Nai, vị giám đốc cho biết dù đã được quan tâm hết mức nhưng nhóm này vẫn liên tục đòi hỏi. Thoạt đầu là đòi nâng phụ cấp làm đêm, cấp thêm đồng phục. Nhận thấy yêu cầu hợp lý, ban giám đốc nhanh chóng đáp ứng. Sau đó, họ tiếp tục đòi nâng lương và khi bị từ chối thì họ phản ứng bằng cách bỏ ca trực hoặc làm qua loa. "Làm vậy khiến công ty mất uy tín với khách hàng, ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm lao động khác" - giám đốc công ty bày tỏ.
Cả hai bên đều có nghĩa vụ
Chia sẻ kinh nghiệm ổn định quan hệ lao động, ông Sy Sam Cam, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp, TP HCM), cho rằng cả người sử dụng lao động lẫn NLĐ đều phải ý thức đầy đủ nghĩa vụ của mình. Có như vậy mới xây dựng được nền tảng chắc chắn của quan hệ lao động.
Thực tế cho thấy nếu chỉ một phía có thiện chí thì không thể có quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Đơn cử như tại Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (sản xuất giày xuất khẩu, tỉnh Bình Dương). Nhắc đến tập thể lao động tại công ty, ông Hà Duy Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng, rất tự hào. Nhiều năm qua, trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) đau đầu với tình trạng thiếu hụt lao động thì Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng lại là điểm dừng chân đáng tin cậy của NLĐ. Có được điều này là do HĐQT và ban giám đốc đặc biệt coi trọng yếu tố con người, luôn quan tâm chăm sóc đời sống vật chất lẫn tinh thần cho NLĐ.
Nhiều năm qua, không chỉ bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho 10.000 công nhân (CN), công ty còn thực hiện tốt nghĩa vụ trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều chính sách đãi ngộ CN. Mọi NLĐ bất kể ở vị trí nào cũng đều được tạo cơ hội phấn đấu với chế độ lương, thưởng thỏa đáng. Đời sống tinh thần của CN cũng được DN chăm lo chu đáo với việc đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây sân bóng cho CN vui chơi sau giờ làm việc. Được chăm lo chu đáo nên tập thể CN luôn coi DN là nhà, tận tâm cống hiến. "Xây dựng niềm tin bằng những việc làm thiết thực, có lợi cho cả đôi bên, chắc chắc NLĐ sẽ hợp tác, gắn bó lâu dài, vì sự phát triển bền vững của DN" - ông Hưng chia sẻ..
Bài học quản lý được ông Hưng rút ra cũng là kinh nghiệm của các DN có quan hệ lao động ổn định như Công ty CP Thanh Lê Landscape (quận 7), Công ty TNHH Triple (huyện Củ Chi). Cách hành xử có trách nhiệm của DN lẫn NLĐ không chỉ tạo dựng thiện cảm cho nhau mà còn mở ra cơ hội hợp tác, gắn bó bền chặt vì lợi ích chung.
Xuất phát từ cái tâm và lợi ích chung
Ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP VRG Khải Hoàn (tỉnh Bình Dương), cho rằng quan hệ lao động chỉ ổn định khi cả người sử dụng lao động và NLĐ phải biết cách tạo niềm tin cho nhau từ những công việc cụ thể nhất. Chẳng hạn, với người sử dụng lao động là tuân thủ đầy đủ pháp luật lao động, biết quan tâm, chăm sóc NLĐ đúng mức; còn về phía NLĐ là thực hiện đúng các thỏa thuận đã cam kết trong hợp đồng lao động. Hành xử của các bên phải xuất phát từ cái tâm và vì lợi ích chung, có như vậy quan hệ lao động mới sâu rễ bền gốc.
Bình luận (0)