Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang gửi xin ý kiến các cơ quan gồm Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam… về dự thảo tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đề nghị ban hành Nghị quyết điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ (LĐN) nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018.
Lao động nữ chịu nhiều thiệt thòi nếu quy định về tỉ lệ lương hưu không được sửa đổi Ảnh: THANH NGA
Về sự cần thiết của nghị quyết này, Bộ LĐ-TB-XH cho biết theo quy định tại khoản 2, điều 56 Luật BHXH 2014, từ ngày 1-1-2018, để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% thì LĐN phải đóng BHXH đủ 30 năm. Cụ thể từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi, mỗi năm chỉ được cộng thêm 2% lương hưu, thay vì 3% như trước. Quy định này được thực thi ngay trong khi đối với nam giới, việc nâng số năm đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa 75% có lộ trình 5 năm.
Bộ LĐ-TB-XH đánh giá, việc điều chỉnh công thức tính lương hưu trong Luật BHXH 2014 có những ưu điểm như bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng; bảo đảm tốt hơn khả năng bền vững của quỹ hưu trí, tử tuất. Tuy nhiên, quy định của Luật BHXH 2014 đã làm phát sinh sự so sánh giữa LĐN và lao động nam; giữa LĐN nghỉ sau với LĐN nghỉ trước thời điểm ngày 1-1-2018. Cụ thể, do quy định công thức tính lương hưu của nam thay đổi dần trong vòng 5 năm, còn của nữ thay đổi ngay trong năm 2018 nên dẫn đến một số LĐN nghỉ hưu năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (giảm từ 1%-10%). Đây là điều bất hợp lý.
Theo số liệu dự báo của BHXH Việt Nam, năm 2018 sẽ có khoảng 60.000 lao động nam nghỉ hưu, trong đó có khoảng 20.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 31 năm (tương ứng với 33% tổng số nam nghỉ hưu) có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với những người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017. Đối với nữ, sẽ có khoảng 50.000 lao động nghỉ hưu, trong đó có 21.000 người có thời gian đóng BHXH từ 15 đến dưới 30 năm (tương ứng với 43% tổng số nữ nghỉ hưu) có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với những người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017. Trong đó, nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là khoảng 4.000 người (tương ứng với 8,7% tổng số nữ nghỉ hưu) có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5%-10%. "Vì vậy, cần thiết có phương án xử lý để khắc phục những hạn chế nêu trên, giảm thiểu tác động đối với LĐN nghỉ hưu sau ngày 1-1-2018" - tờ trình nêu.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này sẽ thực hiện việc điều chỉnh lương hưu đối với LĐN nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 1-1-2018 đến 31-12-2021 mà có mức lương hưu bị giảm do áp dụng công thức tính lương hưu mới theo quy định của Luật BHXH 2014. Nguồn kinh phí sẽ do Quỹ BHXH bảo đảm.
Cũng theo dự báo của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2018 đến 2021, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH là khoảng 91.600 người. Do đó, việc điều chỉnh lương hưu theo phương án sẽ cần nhu cầu kinh phí là gần 220 tỉ đồng. Sau khi Ủy ban Thường vụ QH đồng ý đề xuất này, Chính phủ sẽ giao Bộ LĐ-TB-XH soạn thảo và hoàn tất các thủ tục để trình QH xem xét ban hành nghị quyết tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV sắp diễn ra.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đã có văn bản kiến nghị QH ra Nghị quyết tạm dừng thực hiện khoản 2, điều 56 và khoản 2, điều 74 Luật BHXH 2014, đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi theo hướng có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu cho LĐN, bảo đảm cân bằng quyền lợi của lao động nam và LĐN trong thụ hưởng chính sách BHXH.
Bình luận (0)