Giả sử như ông không phải là cháu vợ của giám đốc và giả sử công ty tuyển chọn lao động với điều kiện “có ngoại hình dễ nhìn” thì sếp đã rớt từ vòng gửi xe. Thế nhưng, với mối quan hệ tế nhị như vậy nên trong phòng tôi chẳng có ai thắc mắc vì sao ông lại được đặt để vào ghế trưởng phòng, lãnh đạo 25 người có bằng đại học và trên đại học hệ chính quy.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét ở góc độ ngoại hình khó nhìn thì cũng không phải là vấn đề quan trọng. Giả sử như sếp thuộc tuýp người “dị tướng” như Tể tướng Lưu Gù chẳng hạn thì không nói làm gì, đằng này sếp vừa xấu người lại vừa xấu nết. Người nào mà không nịnh sếp thì sau lưng sếp chỉ có “đâm” cho bằng chết. Chẳng hạn, anh bạn tôi mới đăng lên Facebook dòng status “chán quá” thì lập tức đã bị gọi lên cật vấn xem ám chỉ điều gì? Một anh bạn khác cũng đăng lên mạng xã hội câu “nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún”, thế là sếp gọi lên ngay hỏi anh muốn sống hay muốn chết mà dám xúc xiểm sếp? Lại có một chị khác vô tình hỏi chủ tịch Công đoàn về việc tại sao sếp lại được nhận một suất quà dành cho nhân viên khó khăn, lập tức bị sếp điều ngay đi vùng sâu, vùng xa...
Nhưng đó chưa phải là tất cả những điều nhân viên ấm ức về sếp. Tôi thấy các trưởng phòng khác, khi nhân viên của mình bị ai vu vạ điều gì đó thì trước tiên các sếp ấy bảo vệ lính của mình trước dư luận, sau đó mới về điều tra ngọn ngành và xử lý nghiêm minh. Còn trưởng phòng của tôi, nếu nghe ai đó nói xấu lính của mình thì lập tức ông hùa theo, kể thêm tội của lính, thậm chí suy diễn thêm những điều không có thật. Chúng tôi gọi hành động này của sếp là “đâm sau lưng lính”.
Chính vì vậy mà mấy hôm trước nghe tin sếp bị đụng xe gãy cả hai chân, nhiều đồng nghiệp của tôi rất băn khoăn chuyện có nên vào bệnh viện thăm sếp hay không vì nếu không ưa nhau mà đi thăm viếng thì có vẻ gì đó không thật lòng. Thế nhưng, cũng có một số người lo ngại nếu không đi thăm thì sau này sếp “trù” cho chết.
Chúng tôi đành bỏ phiếu để lấy ý kiến. Kết quả là phe “đi thăm” chiếm đa số nên cả phòng chúng tôi kéo nhau vô bệnh viện thăm sếp. Đến lúc ra về, mọi người cười hỉ hả: “Công nhận nhìn cái mặt ổng nhăn nhó xấu thiệt. Mai mốt chân bị xi cà que, chắc là còn xấu dữ hơn nữa”.
Bất chợt tôi không thấy ghét sếp nữa mà thấy ông thật đáng thương bởi ông đã cõng trên lưng một trách nhiệm mà chính ông cũng không biết là mình khó có thể đảm đương nổi...
Bình luận (0)