Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang lấy ý kiến dự thảo Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Dự kiến, luật này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và thông qua vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020).
Luật có nhiều bất cập
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh, việc ban hành Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 (sau đây gọi là Luật số 72) và hệ thống các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để điều chỉnh hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp (DN), bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, đồng thời tăng cường công tác quản lý NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Lao động Việt Nam trước khi lên đường ra nước ngoài làm việc
Kể từ khi có Luật số 72, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng đáng kể, trung bình mỗi năm có hơn 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (con số này là 58.000 lao động/năm trong giai đoạn 2000 - 2006). Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn quá trình thi hành Luật số 72 đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi hơn nữa một số quy định của luật này, như điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ, không bảo đảm sự đồng bộ và phù hợp với các luật mới được ban hành trong thời gian gần đây; nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới đã xuất hiện mà chưa được quy định trong Luật số 72, gây khó khăn trong công tác quản lý, cũng như hướng dẫn thi hành luật. Quy định về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của NLĐ chưa phản ánh đúng bản chất và không phù hợp với quy định hiện hành của Bộ Luật Dân sự 2015 và xu hướng chung của các tiêu chuẩn lao động quốc tế… "Việc sửa đổi luật bảo đảm phù hợp với xu thế dịch chuyển lao động quốc tế và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời, nâng cao quyền tự chủ của doanh DN trong hoạt động đầu tư kinh doanh; sửa đổi bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đi làm việc ở nước ngoài" - ông Thanh cho biết thêm.
Đưa doanh nghiệp vào khuôn khổ
Theo dự thảo luật, hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. DN hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là DN dịch vụ) có trách nhiệm duy trì các điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động.
Dự thảo nêu rõ DN dịch vụ phải có đủ các điều kiện là DN được thành lập, hoạt động theo Luật DN, có 100% vốn góp của nhà đầu tư trong nước, có vốn điều lệ từ 5 tỉ đồng trở lên, thường xuyên duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn 5 tỉ đồng; đã thực hiện ký quỹ 2 tỉ đồng tại ngân hàng thương mại; có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ-TB-XH cấp. Tiền ký quỹ 2 tỉ đồng của DN dịch vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp DN không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, DN dịch vụ thỏa thuận với NLĐ hoặc người sử dụng lao động nước ngoài về việc thu tiền dịch vụ một lần hoặc nhiều lần trong thời gian làm việc của NLĐ ở nước ngoài theo hợp đồng. Bộ Tài chính quy định mức trần phí dịch vụ thu của NLĐ.
Đáng lưu ý là dự thảo cũng quy định NLĐ được thỏa thuận với DN dịch vụ về việc ký quỹ để bảo đảm việc thực hiện hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài. NLĐ nộp tiền ký quỹ vào tài khoản riêng được DN mở tại ngân hàng thương mại để giữ tiền ký quỹ của NLĐ. Tiền ký quỹ của NLĐ được hoàn trả cả gốc và lãi cho NLĐ khi thanh lý hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Trường hợp NLĐ vi phạm hợp đồng, tiền ký quỹ của NLĐ được sử dụng để bù đắp thiệt hại của DN dịch vụ phát sinh do lỗi của NLĐ gây ra cho DN, nếu tiền ký quỹ của NLĐ không đủ bù đắp thiệt hại thì NLĐ phải nộp bổ sung.
Theo dự thảo, Bộ LĐ-TB-XH quy định cụ thể thị trường lao động mà DN dịch vụ được thỏa thuận với NLĐ về việc nộp tiền ký quỹ; quy định thống nhất trong phạm vi cả nước mức trần tiền ký quỹ của NLĐ, phù hợp với từng thị trường lao động. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của NLĐ.
Nhiều hành vi bị nghiêm cấm
Dự thảo luật cũng đã quy định nhiều hành vi bị cấm. Cụ thể: Cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là giấy phép) cho DN không đủ điều kiện theo quy định của luật này; sử dụng giấy phép của DN khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đi làm việc hoặc đưa NLĐ đi làm công việc bị cấm hoặc tại các khu vực bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc không được nước tiếp nhận NLĐ cho phép. Đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh theo quy định của pháp luật. Lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài trái phép. Lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của NLĐ trái quy định của pháp luật. Sau khi nhập cảnh không đến nơi làm việc hoặc bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng. Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động. Lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt NLĐ Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định của pháp luật.
Bình luận (0)