Nguyễn Thị Hồng (tỉnh Đồng Nai) hỏi: "Tôi tham gia BHXH được 2 năm. Mới đây, tôi bị sẩy thai (6 tuần) nhưng không nhập viện do thai sẩy tự nhiên, được bác sĩ chỉ định nghỉ ngơi tại nhà. Tôi muốn xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì liên hệ cơ quan nào? Số ngày nghỉ hưởng BHXH là bao nhiêu?".
BHXH Việt Nam trả lời: Theo quy định tại điểm a, b, khoản 1, điều 20 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn - vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: Do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó; phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối chiếu quy định nêu trên, đề nghị bà liên hệ với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi khám, điều trị khi sẩy thai để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Theo quy định tại điều 33 Luật BHXH năm 2014, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau: 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên. Thời gian nghỉ việc hưởng các chế độ nêu trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Đối chiếu quy định nêu trên, bà sẩy thai khi thai được 6 tuần tuổi thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tối đa là 20 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần).
Bình luận (0)