"Nhìn lại chặng đường đã đi qua, tôi nhận thấy điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Không cần chúng ta phải giàu có, chỉ cần có sự đồng cảm, sẻ chia, ai cũng sẽ làm được những điều tốt đẹp cho chính mình và cho mọi người để mỗi khi nhớ lại, chúng ta sẽ thấy thêm yêu đời, thêm hạnh phúc". Đó là lời bày tỏ chân tình của thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên môn vật lý Trường Ernst Thalmann, tại buổi giao lưu điển hình "Người tốt, việc tốt" do Công đoàn Giáo dục TP HCM tổ chức sáng 17-5.
Ánh sáng hạnh phúc
Đứng trên bục giảng với vai trò "người lái đò" chưa được 4 năm nhưng sự gần gũi và tấm lòng hướng về người nghèo đã giúp thầy giáo trẻ Phạm Thư Tùng chiếm được tình cảm của học sinh. Dù không phải là người đi đầu trong công tác từ thiện ở trường nhưng cách làm của thầy đã chạm đến được trái tim mỗi học trò.
Thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên môn vật lý Trường Ernst Thalmann, cùng học sinh làm lồng đèn từ lon bia, lon nước ngọt đã qua sử dụng
Thầy Tùng cho biết sau 3 năm làm công tác chủ nhiệm, điều khiến thầy luôn băn khoăn là học trò ngày nay có thể nổi trội về nhiều mặt nhưng lại thiếu nhiều kỹ năng sống, thiếu trái tim biết rung cảm, thiếu lý tưởng sống. Thay vào đó, các em dành hầu hết sự quan tâm cho mạng xã hội, chạy theo thần tượng, game online… Vì lẽ đó, thầy quyết tâm hướng các em đến với công tác thiện nguyện.
Đầu tiên là chương trình "Xuân yêu thương" 2016, thầy Tùng cùng một số bạn bè tổ chức quyên góp nhu yếu phẩm, quần áo và mời gọi học sinh cùng tham gia chuẩn bị. Mục tiêu ban đầu của thầy là giáo dục học trò các kỹ năng đơn giản như phân loại, gói quà… Song, điều khiến thầy vui mừng là sau khi đến phụ việc, các em tự động về nhà gom góp quần áo cũ và rủ rê bạn bè trong lớp, chòm xóm cùng tham gia. Các em còn sát cánh cùng thầy rong ruổi khắp nơi, đem những phần quà nhỏ trao tận tay người vô gia cư.
Cảm nhận mình đã đi đúng hướng, thầy Tùng tiếp tục kêu gọi học sinh thực hiện chương trình "Trăng yêu thương" với chuỗi hoạt động: làm lồng đèn từ vỏ lon bia, nước ngọt; thiết kế poster gây quỹ giúp trẻ em nghèo; quyên góp sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện… làm tủ sách tri thức đặt tại thư viện trường; quyên góp gấu bông, quần áo, đồ chơi cũ…
"Lồng đèn từ thiện không có giá mà tùy lòng hảo tâm của mọi người nên khi thấy những sản phẩm của mình được mua với giá cao, các học trò nhảy cẫng lên vui sướng. Hôm sau, mỗi em lại mang theo những chiếc lồng đèn nhỏ xinh đến lớp. Nghe các em khoe: "Thầy ơi, con thức tới 3 giờ mới làm được bấy nhiêu đó" cùng với nụ cười rạng rỡ, lúc ấy, tôi biết trái tim các em đã được thắp sáng" - thầy Tùng tâm sự.
Một dự án tâm huyết khác mà thầy Tùng cùng với đồng nghiệp và 45 học sinh của trường thực hiện cuối năm 2016 là "Ánh sáng hạnh phúc". Đúng với tên gọi, dự án này đã đưa ánh sáng đến với xóm trọ của những gia đình nghèo dưới chân cầu Tám Nó (quận 8, TP HCM) bằng hệ thống đèn sử dụng năng lượng mặt trời được thiết kế từ các vật liệu phế thải. Dự án này cũng giúp nhóm của thầy Tùng đạt giải giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức.
"Để thực hiện dự án này, thầy trò đã phải bỏ không ít tiền của, công sức nhưng cái được còn nhiều hơn: học trò có cơ hội để ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Nhìn các em sử dụng thành thạo máy khoan, lắp ráp mạch điện; nhìn ánh sáng tỏa khắp xóm trọ nghèo, tôi thấy cuộc sống thật ý nghĩa" - thầy Tùng thổ lộ.
Trái tim của "những người bạn"
Cô Nguyễn Thị Thanh Phương, Tổ trưởng chuyên môn Trường THCS-THPT Sương Nguyệt Anh, cũng thắp lên niềm tin, hy vọng cho nhiều học trò nghèo thông qua Quỹ Học bổng "Những người bạn" do cô và gia đình thành lập. "Những người bạn" hoạt động được 5 năm, hằng năm tiếp sức cho hàng chục học trò nghèo nhưng ít ai biết, quỹ được thành lập chỉ từ đồng lương ít ỏi của một số giáo viên đầy tâm huyết.
Cô Phương cho biết lúc đầu, cô chỉ muốn giúp đỡ vài hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng bản thân là giáo viên, thu nhập không cao, 2 con lại còn nhỏ nên sự hỗ trợ rất hạn chế. Do đó, cô trình bày suy nghĩ kêu gọi vận động với chồng và nhận được sự ủng hộ hoàn toàn. Từ đó, vợ chồng cô mạnh dạn vận động đồng nghiệp, bạn bè quyên góp.
Hiểu và tin tưởng vợ chồng cô Phương nên nhiều người tự nguyện tham gia và hội "Những người bạn" ra đời. Hằng tháng, mỗi thành viên trong hội đóng góp 100.000-200.000 đồng cho quỹ. "Góp gió thành bão, số tiền tiết kiệm nhỏ nhoi mỗi tháng của các thành viên đã giúp nhiều em học sinh được tiếp tục con đường học tập" - cô Phương chia sẻ.
Không chỉ duy trì học bổng "Những người bạn", vợ chồng cô Phương còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Không nề hà vất vả, hầu như tháng nào vợ chồng cô cũng sắp xếp để tham gia một chương trình từ thiện và đưa 2 con theo cùng, xem đó như dịp để giáo dục các con biết yêu thương, chia sẻ, từ việc phụ giúp các đoàn bác sĩ khám chữa bệnh cho bà con nghèo đến phát quà cho trẻ em nghèo, nấu đồ ăn chay gây quỹ xây mái ấm cho người già neo đơn, bệnh tật…
Cô Phương bộc bạch: "Không cần phải giàu, phải giỏi mới làm được việc tốt mà chỉ cần có tấm lòng. Không có chuyên môn, tôi theo khuân thùng thuốc, phụ giúp tiếp nhận bệnh nhân… Tôi tin mỗi người mỗi việc sẽ làm cho thế giới thêm tươi đẹp".
Bình luận (0)