Ngày 18-1, tại TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến cán bộ Công đoàn (CĐ) về dự thảo Bộ Luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi. Các đại biểu đã góp ý cho nhiều vấn đề liên quan mật thiết đến quyền lợi người lao động (NLĐ) như: hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc - thời giờ nghỉ ngơi, kỷ luật lao động - trách nhiệm vật chất, tuổi nghỉ hưu, trợ cấp thôi việc (TCTV)…
Nên trợ cấp thôi việc khi nghỉ hưu
Dự thảo BLLĐ sửa đổi có khá nhiều điểm mới. Trong đó, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, đồng thuận từ các đại biểu là bổ sung trường hợp NLĐ nghỉ hưu cũng được nhận TCTV.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng hiện có một bất hợp lý là NLĐ làm việc lâu năm, cống hiến toàn bộ thời gian làm việc của mình cho doanh nghiệp (DN) đến lúc nghỉ hưu nhưng không được hưởng TCTV; còn người cống hiến cho DN ít hơn, xin thôi việc giữa chừng thì được hưởng. Mặt khác, quỹ TCTV đã được DN tính toán và đưa vào chi phí sản xuất nên chi trả TCTV cho NLĐ khi họ nghỉ hưu là hợp lý. Mặt khác, nếu không chi trả, NLĐ buộc phải lách luật, xin nghỉ trước thời điểm đủ điều kiện nghỉ hưu để nhận khoản tiền này.
Cùng quan điểm, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch CĐ Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai), thắc mắc: Quỹ TCTV đã được công ty lập ra với khoản tiền ngày càng lớn nhưng nếu không được chi trả cho NLĐ khi họ nghỉ hưu thì không biết khoản tiền này sẽ đi về đâu? “Bản thân lãnh đạo DN cũng rất bối rối, không biết phải xử lý khoản tiền này như thế nào cho hợp lý” - ông Phúc băn khoăn.
Đồng tình với đề xuất phải trả TCTV cho NLĐ nghỉ hưu nhưng ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP HCM, không đồng ý với đề xuất giảm mức chi trả xuống còn 1/4 tháng lương cho mỗi năm làm việc thay vì 1/2 tháng lương. “Giảm mức trả TCTV vừa gây thiệt thòi vừa gây bất bình đẳng giữa những NLĐ khi có thời điểm nghỉ khác nhau. Tôi không hiểu vì sao các nhà soạn luật lại cắt giảm” - ông bày tỏ.
Điều luật nhân văn không nên bỏ
Tại hội thảo, việc dự thảo luật bãi bỏ quy định “Lao động nữ (LĐN) trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc (được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động)” cũng nhận được rất nhiều ý kiến.
Ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết sở dĩ ban soạn thảo cắt bỏ điều khoản này là vì thực tế không thực hiện được. Hơn nữa, có ý kiến cho rằng nghỉ thai sản ở nước ta kéo dài 6 tháng là nhiều nên đã đủ thời gian để chăm sóc con nhỏ.
Quan điểm trên bị nhiều đại biểu kịch liệt phản đối. Theo ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Juki (KCX Tân Thuận, TP HCM), đây là quy định thể hiện tính nhân văn của pháp luật đối với LĐN, không thể lấy vấn đề của một số nhỏ DN để áp đặt cho NLĐ. Thực tế, quy định này đã được khá nhiều DN thực hiện tốt.
“Tại công ty chúng tôi, với quy định nghỉ mỗi ngày 30 phút trong thời gian hành kinh, DN cho LĐN tự lựa chọn đi trễ hoặc về sớm. Đối với phụ nữ nuôi con nhỏ, LĐN có thể nghỉ 1 giờ mỗi ngày hoặc cộng dồn để nghỉ cả ngày thứ bảy” - ông Đại cho biết.
Liên quan đến quyền lợi của LĐN, các đại biểu cũng kiến nghị nên giữ nguyên quy định không tiến hành xử lý kỷ luật LĐN trong thời gian có thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Bà Hồ Thị Kim Hồng, Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Tiền Giang, cho rằng thời gian LĐN mang thai, nuôi con nhỏ chịu rất nhiều khó khăn, vất vả, nếu xử lý kỷ luật họ vào thời điểm này sẽ gây áp lực, căng thẳng cho tâm lý người mẹ, dẫn đến những hệ lụy không tốt cho sự phát triển của em bé.
“Ngoài ra, cần bổ sung quy định gia hạn hợp đồng với LĐN đang mang thai khi hợp đồng lao động hết hạn để hỗ trợ họ thực hiện tốt thiên chức làm mẹ và thuận tiện hơn trong giải quyết chế độ chính sách thai sản” - bà Hồng kiến nghị.
Nên có thêm thời gian góp ý
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch CĐ các KCX-KCN tỉnh Đồng Nai, cho rằng dự thảo còn nhiều vấn đề có ý kiến trái chiều nên cần thêm thời gian thu thập ý kiến đóng góp. “Không nên nóng vội, gấp gáp để rồi rơi vào trường hợp như Bộ Luật Hình sự vừa qua. Bên cạnh đó, những gì có thể cụ thể hóa được thì nên đưa vào luật để tránh xảy ra tình trạng loạn văn bản dưới luật như hiện nay” - ông Thắng đề xuất.
Bình luận (0)