Sáng 21-12, Hội nghị lần thứ 21 (khóa XI) Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bước sang ngày làm việc thứ 2 và bế mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường. Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận, góp ý là Tờ trình của Thường trực Đoàn Chủ tịch về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2012.
Không nâng tuổi hưu đại trà
Đối với vấn đề tuổi nghỉ hưu, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng đây là nội dung lớn đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật như: Luật Bình đẳng giới năm 2007, BLLĐ 2012 và Luật BHXH năm 2014. “Dù đã được đặt ra nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được Quốc hội thông qua bởi tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề phức tạp, tác động đến nhiều yếu tố. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ, nhất là báo cáo tác động khi thực hiện các phương án do ban soạn thảo đưa ra” - ông Chính nhấn mạnh.
Từ những phân tích đó, tờ trình của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc nâng tuổi hưu của công nhân, lao động trực tiếp sản xuất, dịch vụ. Đối với khu vực hành chính, sự nghiệp thì có thể xem xét nâng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình tăng thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của nhóm lao động trẻ và bảo đảm ổn định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về vấn đề này, ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Giáo dục Việt Nam, nhấn mạnh đa phần giáo viên cấp phổ thông trở xuống đều không mong muốn kéo dài thời gian làm việc, chỉ giảng viên đại học và tương đương thì có nguyện vọng tăng tuổi nghỉ hưu. “Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là không quy định kéo dài tuổi lao động trong BLLĐ, những đối tượng khác muốn tăng thì điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật” - ông Đức nói.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho rằng cần có ý kiến về sử dụng hiệu quả quỹ BHXH. Nếu sợ vỡ quỹ mà tăng tuổi nghỉ hưu thì ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động (NLĐ). Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, cũng khẳng định dư luận không hoan nghênh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
NLĐ cần được bảo vệ tốt hơn
Ngoài nội dung về tăng tuổi nghỉ hưu, tờ trình cũng đề xuất một số nội dung tham gia của CĐ về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLLĐ. Về thời gian thử việc, tờ trình chọn phương án thử việc là một nội dung trong hợp đồng lao động (HĐLĐ), hai bên không phải ký hợp đồng thử việc. Theo lý giải của Tổng LĐLĐ Việt Nam, quy định này sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho NLĐ (như được tham gia BHXH, BHYT ngay từ giai đoạn thử việc), giảm bớt thủ tục cho doanh nghiệp (DN) và bảo đảm không phân biệt đối xử giữa NLĐ thử việc với NLĐ chính thức.
Về nội dung HĐLĐ, tờ trình đề xuất quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ, đề nghị bỏ lý do, chỉ cần yêu cầu về thời hạn báo trước. Điều này nhằm bảo đảm quyền được lựa chọn việc làm tốt hơn cho NLĐ và phòng chống cưỡng bức lao động. Theo đó, bất cứ khi nào NLĐ cảm thấy không hài lòng với việc làm hiện tại hoặc tìm kiếm được việc làm tốt hơn thì sẽ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần lý do, chỉ cần báo trước một thời hạn nhất định để DN chủ động tìm NLĐ thay thế.
Về chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ là cán bộ CĐ không chuyên trách trong nhiệm kỳ CĐ, tờ trình đề nghị giữ nguyên như hiện nay (khoản 1, điều 36 và khoản 6, điều 92 BLLĐ). “Vấn đề này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, xác định đây là một biện pháp bảo đảm và bảo vệ cán bộ CĐ có hiệu quả, bảo đảm cho cán bộ CĐ không chuyên trách thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ” - Tờ trình nêu rõ. Đối với vấn đề mức lương tối thiểu, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất sửa đổi quy định mức lương tối thiểu theo hướng bảo đảm “mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”, đồng thời Chính phủ phải xác định các tiêu chí và cơ quan có thẩm quyền công bố “mức sống tối thiểu”.
Làm thêm tối đa 400 giờ/năm
Đối với quy định về thời gian làm thêm, quan điểm của tổ chức CĐ là bỏ giới hạn làm thêm giờ trong tháng (quy định hiện hành là không quá 30 giờ/tháng). Đồng thời có thể xem xét để “tăng số giờ làm thêm tối đa trong năm từ không quá 300 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ” với điều kiện NLĐ phải được trả lương theo lũy tiến: Làm thêm giờ vào ngày thường và đến 200 giờ/năm thì được trả ít nhất 150%; làm thêm giờ vào ngày thường và từ 201 giờ đến 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 200%; làm thêm giờ vào ngày thường và từ trên 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 250%.
Bình luận (0)