Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có giải đáp thắc mắc cho đoàn viên về các quy định về TNLĐ cũng như thủ tục, điều kiện hưởng chế độ TNLĐ; Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về TNLĐ. Cụ thể:
1. TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động (NLĐ), xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.
Người lao động bị tai nạn giao thông trên đường đến nơi làm việc được coi là tai nạn lao động
2. Người bị TNLĐ phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo.
3. Tất cả các vụ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ.
Theo khoản 1 Điều 39 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng chế độ TNLĐ:
NLĐ được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện sau đây: Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; d) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.
Khoản 3 Điều 19 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22-12-2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: "Điều kiện hưởng chế độ TNLĐ theo khoản 1 Điều 39 và điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo khoản 1 Điều 40 Luật BHXH được quy định như sau: Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Trong khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại". Như vậy, NLĐ bị tai nạn giao thông trong khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc và trên tuyến đường thường xuyên đi từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc được coi là TNLĐ.
Hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ, bao gồm:
+ Sổ BHXH của NLĐ đã xác định đóng BHXH đến tháng trước khi bị TNLĐ.
+ Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ của người sử dụng lao động (mẫu số 05A-HSB).
+ Biên bản điều tra TNLĐ.
Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì có thêm bản sao Biên bản tai nạn giao thông.
Ngoài ra nếu bị tai nạn giao thông trên tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc được xác định là TNLĐ thì có thêm bản sao Hộ khẩu thường trú hoặc bản sao Giấy đăng ký tạm trú; giấy ra viện sau khi đã điều trị thương tật TNLĐ ổn định đối với trường hợp điều trị nội trú; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa; Bản quá trình đóng BHXH theo sổ BHXH; quyết định hưởng trợ cấp TNLĐ hàng tháng hoặc trợ cấp 1 lần của Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố.
Bình luận (0)