Một nghiên cứu về lựa chọn thực tập của SV tại TP HCM cho thấy hơn 55% SV đánh giá cao việc thực tập như một bước tiến quan trọng để phát triển hồ sơ sự nghiệp. Điều này giải thích cho lý do vì sao ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều SV đã chú trọng tìm kiếm cơ hội thực tập để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn.
Thông qua giới thiệu từ bạn bè, từ năm 3, Nguyễn Thúy Vy (SV Trường ĐH Tài chính - Marketing) đã bắt đầu công việc thực tập tại một ngân hàng. Trách nhiệm của Vy là xử lý hồ sơ và mở tài khoản cho khách hàng. Vy cho biết đây là lựa chọn đúng đắn khi quyết định thực tập từ sớm. Những công việc được phân công không chỉ giúp Vy vận dụng kiến thức đã học tại trường mà còn là cơ hội để phát triển các kỹ năng nghề.
Nhiều SV, nhất là thế hệ gen Z (sinh từ năm 1997-2012), có tâm lý e ngại khi phải làm chung với đồng nghiệp lớn tuổi, bởi khoảng cách tuổi tác sẽ dẫn đến những khó khăn trong giao tiếp. Nhưng Vy luôn xem họ là những cố vấn dày dặn kinh nghiệm để học hỏi. "Chỉ cần làm việc với thái độ nghiêm túc, nỗ lực không ngừng thì chắc chắn SV sẽ được doanh nghiệp (DN) tạo điều kiện làm việc" - Vy bày tỏ.
Đặng Trần Thảo Vy tranh thủ làm công việc được giao tại nhà
Lọc hồ sơ và phân loại, đó là trách nhiệm của Trần Ngọc Thanh Ngân (SV năm 4 Trường ĐH Văn Hiến) khi đi thực tập. Lý do thực tập của Ngân là để hoàn thành báo cáo tốt nghiệp. Công ty Ngân thực tập là một DN đã có 15 năm hoạt động ở thị trường nước ngoài. "Dù công việc này không mang lại nguồn thu chính thức, nhưng môi trường làm việc tại đây rất tốt. Khi đi thực tập đừng quá chú trọng vào khía cạnh lương bổng" - Ngân nói.
Tích lũy kiến thức và mong có cơ hội tiếp tục đồng hành với DN sau khi hoàn thành chương trình thực tập là ưu tiên của Ngân. Để đạt được mục tiêu này, cô luôn chủ động học hỏi từ các đồng nghiệp để nắm vững kiến thức lĩnh vực mình đang theo làm. Ngân xem thực tập là cơ hội để nâng mình.
Còn Đặng Trần Thảo Vy (SV năm 3, Trường ĐH Tài chính - Marketing) cũng đang tích cực thực hiện công việc thực tập tại phòng tiếp thị của một công ty ở quận 10, TP HCM. Thông qua các cam kết và thỏa thuận, công việc thực tập của Vy còn được trả lương. Theo Vy, thực tập không chỉ giúp cô xây dựng những bước đệm vững chắc cho tương lai, mà nó còn có thu nhập để chia sẻ gánh nặng với gia đình.
Trong quá trình thực tập, SV phải đối mặt với những chi phí đi lại, ăn uống... Các chi phí này, nếu không được hỗ trợ, có thể tạo nên các áp lực tài chính đáng kể. Nhiều ý kiến cho rằng đi làm không lương thì cũng chẳng khác gì cho không thời gian, công sức và chất xám. Do vậy, không ít bạn trẻ bỏ ngang cơ hội của mình để tìm kiếm một môi trường "cân sức" hơn.
Đại diện Công ty KMS Healthcare (quận Tân Bình, TP HCM) cho biết hiện nhiều DN chú trọng các chương trình đào tạo, hỗ trợ SV có cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc thực tế. Việc lựa chọn thực tập có lương hay không lương nằm ở mục đích của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là thu nhập, mà chính là những bài học và kiến thức SV rút ra được từ quá trình cọ xát với thực tế.
Bình luận (0)