Đó là anh Phạm Đình Dũng - Bí thư Đảng bộ bộ phận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (AHRD; trực thuộc Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM) kiêm Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM.
Đầu tàu sáng tạo
Là giám đốc của AHRD, anh Dũng luôn phát huy chuyên môn, là đầu tàu trong nghiên cứu khoa học. Anh cho biết làm nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học công nghệ cao, thì vai trò của từng cá nhân trong AHRD là rất quan trọng. "Điều tôi cảm thấy may mắn là được làm việc với một đội ngũ nhà khoa học, chuyên viên trẻ, giỏi chuyên môn, nhiệt huyết trong hành động và có tinh thần ham học hỏi rất cao. Đó chính là nền tảng quan trọng để chúng tôi thực hiện hàng trăm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong vòng 6 năm qua" - anh Dũng cho biết.
Các nghiên cứu của AHRD tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như: công nghệ trồng cây không đất, công nghệ nhà màng, công nghệ tưới tiết kiệm nước, công nghệ vi sinh, công nghệ di truyền, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc các giống cây, giống hoa, con giống…
Theo anh Dũng, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi không thể thay đổi bởi chỉ có nông nghiệp công nghệ cao mới giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Nếu muốn thành công trong việc tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững thì không có cách nào khác là lấy khoa học, công nghệ làm động lực phát triển. Đây không chỉ là nền tảng của nền nông nghiệp xanh mà còn là "chìa khóa" đánh thức tiềm năng sẵn có của nền nông nghiệp lâu đời tại Việt Nam.
Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM Phạm Đình Dũng
Gần 170 công trình nghiên cứu khoa học chỉ trong 4 năm, chuyển giao hàng chục mô hình kinh tế nông nghiệp tiên tiến được đánh giá cao, trăn trở lớn nhất của anh Dũng và tập thể lao động AHRD là không chỉ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng mà có thể xuất khẩu được, mang lại giá trị cao. Theo anh Dũng, thổ nhưỡng khó thay đổi nhưng nếu biết ứng dụng công nghệ, chịu khó tìm tòi nghiên cứu thì những vùng đất cằn cỗi nhất vẫn có thể cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Chính vì vậy trong hơn 11 năm làm nghiên cứu, anh Dũng và cộng sự lặn lội đến tất cả những nơi được xem là vùng đất chết để giúp người dân hồi sinh mảnh đất cằn cỗi. Cùng với các cộng sự, anh dày công nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng đất để cho ra đời những sản phẩm mới, sau đó chuyển giao giống và công nghệ trồng trọt cho bà con.
Gắn kết tập thể
Khi đảm nhận vai trò Chủ tịch CĐ Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM, anh Dũng nghĩ ngay đến việc phải làm sao để có phương pháp lãnh đạo hoạt động CĐ đi vào thực chất, phù hợp với đặc thù đơn vị và điều kiện làm việc của người lao động, thay vì hô hào suông. Điều anh trăn trở là phải tập hợp được sức mạnh tập thể thông qua tổ chức và chuỗi hoạt động CĐ.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, anh Dũng đã chỉ đạo các CĐ cơ sở thành viên phải ngồi lại, lấy ý kiến từ đoàn viên, phải thảo luận và lên kế hoạch cụ thể cho các hoạt động tại đơn vị. Các hoạt động ấy phải đi vào thực chất và hướng đến người lao động (NLĐ) là chủ yếu. Từ định hướng sát sườn ấy mà hoạt động các CĐ cơ sở trực thuộc có những chuyển biến nhất định, trong đó có nhiều đơn vị có nhiều cách làm hay, sáng tạo và được NLĐ nhiệt tình hưởng ứng.
Quỹ xã hội là một ví dụ. Quỹ thuộc quản lý của các CĐ cơ sở thành viên, chủ yếu dựa trên đóng góp của NLĐ. Quỹ là nơi tiếp nhận và chia sẻ những tình cảm tương thân tương ái của NLĐ trong các đơn vị. Một khi có ai đó gặp khó khăn, CĐ cơ sở thành viên ở đơn vị đó sẽ họp lại và trích quỹ này để hỗ trợ kịp thời.
"Việc chăm lo cho NLĐ trên quy định chung của cơ quan thì ở đâu cũng có nên chúng tôi muốn có thêm nguồn để chia sẻ với NLĐ khi họ gặp khó khăn, bất trắc nằm ngoài quy định. Ai cũng khó khăn nhưng sự sẻ chia bao giờ cũng làm tình cảm anh em trong cơ quan gắn chặt hơn, quý trọng nhau hơn" - anh Dũng cho biết thêm.
Theo anh Dũng, vai trò và hoạt động của CĐ cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đơn vị là rất quan trọng. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, vai trò của tổ chức CĐ ngày càng được nâng lên với yêu cầu cao hơn về hiệu quả hoạt động. Ngoài việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, tổ chức CĐ còn phải đi sâu nắm vững tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để từ đó có những hoạt động thiết thực.
Tại các đơn vị trực thuộc, nhờ bám sát đặc thù đơn vị nên mục tiêu hoạt động CĐ luôn gắn liền với vấn đề lương, thưởng, điều kiện làm việc và phúc lợi của NLĐ. Cũng nhờ quyền lợi được bảo đảm, phúc lợi được nâng cao nên NLĐ rất an tâm làm việc, gắn bó lâu dài.
Đào tạo thế hệ kế cận
"Chúng tôi là đơn vị làm nghiên cứu khoa học nhưng không vì thế mà thiếu đi những cán bộ hoạt động phong trào. Hiện chúng tôi có nhiều chương trình để đào tạo thế hệ trẻ kế cận cho các hoạt động của CĐ và Đoàn Thanh niên. Phát triển đảng viên trẻ là một trong những chương trình như vậy để giúp chúng tôi mạnh về chuyên môn, vững về tư tưởng để cùng đưa AHRD tiến lên tầm cao mới" - anh Phạm Đình Dũng cho biết.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-7
Kỳ tới: Yêu nghề, mến trẻ
Bình luận (0)