Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Ban Quan hệ lao động quốc gia cho rằng, việc tăng giờ làm thêm chỉ nên coi là giải pháp cấp bách, tạm thời trong giai đoạn khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Ông Lê Đình Quảng
Phóng viên: Chính phủ vừa đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng giờ làm thêm của người lao động lên tới 300h/năm với tất cả mọi ngành nghề trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
Ông Lê Đình Quảng: Tôi cho rằng, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và đặc biệt là làm thêm giờ là vấn đề hết sức quan trọng đã được Quốc hội thảo luận một cách kỹ lưỡng khi thông qua Bộ luật Lao động năm 2019. Nội dung này là một trong 4 nội dung được thảo luận kỹ nhất và tạo được sự quan tâm rất lớn của người lao động, người sử dụng lao động và các cấp, các ngành. Vì vậy, khi biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động 2019, Quốc hội đã 4 lần biểu quyết, trong đó có 2 lần biểu quyết liên quan đến thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong đó có cả thời giờ làm thêm. Điều đó cho thấy rằng, đây là một vấn đề đã được nghiên cứu một cách hết sức kỹ lưỡng và cân nhắc qua cân đối bối cảnh với nhiều yếu tố từ việc làm, thu nhập, sức khỏe, cơ cấu khả năng lao động, cũng như vấn đề an toàn lao động và tác động của việc làm thêm giờ và rất nhiều yếu tố khác.
Tuy nhiên, khi chúng ta thực hiện Bộ luật Lao động (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) chưa được bao lâu thì đại dịch Covid ập đến. Rõ ràng trong bối cảnh như vậy thì chúng tôi cho rằng, xuất phát từ nguyện vọng, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp mà chính phủ có đề xuất Quốc hội xem xét có nghị quyết để giới hạn, điều chỉnh thời hạn làm thêm giờ trong tháng và trong năm là cần thiết, kịp thời trong bối cảnh hiện nay.
Từ góc độ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, xin ông cho biết, người lao động phản hồi như thế nào về việc làm thêm giờ?
- Khi dự thảo ban đầu về vấn đề tăng giới hạn làm thêm giờ được đưa ra vào 9/2021, chúng tôi đã tổ chức thăm dò ý kiến đối với người lao động. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, số người lao động đồng ý với việc nới rộng giới hạn làm thêm giờ trong tháng và trong năm chiếm 1 tỷ lệ khá cao.
Tuy nhiên, thăm dò ý kiến người lao động chỉ là một kênh, bởi trong điều kiện người lao động có thu nhập rất thấp, họ buộc phải có nguyện vọng làm thêm giờ để cải thiện thu nhập, trang trải cuộc sống. Vấn đề quyết định các chính sách liên quan đến thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và một số vấn đề khác như tuổi nghỉ hưu thì không hẳn chỉ dựa vào kết quả ý kiến bình luận của người lao động. Giờ làm việc nói chung và làm thêm giờ nói riêng ảnh hưởng rất nhiều yếu tố, phụ thuộc vào sức khỏe của người lao động, liên quan đến năng suất lao động, tai nạn lao động, sức khỏe lâu dài của người lao động và nhiều vấn đề khác mà hầu hết những vấn đề này cần có bàn tay của nhà nước đưa ra những quy định một cách phù hợp, để vừa đảm bảo chăm lo cho người lao động cũng như mối quan hệ thấu đáo giữa các bên trong quan hệ lao động.
Theo ông, có nên mở rộng giới hạn làm thêm giờ lên đến 300h/năm với tất cả các ngành nghề như trong đề xuất của Chính phủ?
- Theo tôi là không nên. Theo luật hiện hành, những đối tượng mà cấm làm thêm giờ thì đã được cấm ở các luật khác và một số ngành nghề đã được phép làm thêm giờ tối đa lên đến 300h/năm như các ngành vụ xuất khẩu. Trong bối cảnh khôi phục kinh tế, việc điều chỉnh thời hạn làm thêm giờ trong tháng và trong năm là cần thiết và phù hợp, tuy nhiên, đề xuất mở rộng cho mọi ngành nghề thì không nên, nên giới hạn ở một số nhóm ngành nghề nhất định và giới hạn cho một số đối tượng. Một số đối tượng không được áp dụng đó là lao động chưa thành niên, lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lao động nữ làm công việc có ảnh hưởng tới chức năng sinh sản và nuôi con.
Là cơ quan đại diện cho tiếng nói của người lao động, ông có góp ý gì cho vấn đề này, liệu có nên sửa luật để nới rộng giới hạn giờ làm thêm, hay việc này chỉ áp dụng trong thời gian khôi phục kinh tế sau đại dịch?
Ông Lê Đình Quảng: Đây chắc chắn chỉ nên là giải pháp tạm thời, cấp bách để giải quyết vấn đề ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Người sử dụng lao động cần quan tâm bảo đảm các điều kiện lao động, chăm lo cho người lao động để tránh các tác động gây ảnh hưởng đến sức khỏe cả về trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động. Sau đó, chúng ta phải quay trở lại bình thường khi đã khắc phục được hết những khó khăn hiện nay, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 30 của Chính phủ. Cần tiếp tục thực hiện theo Bộ luật Lao động 2019 vì vấn đề này được quy định và thảo luận rất kỹ lưỡng và đã được Quốc hội biểu quyết thông qua.
Về cơ bản, chúng tôi cho rằng, cần phải giảm giờ làm việc chính thức, khuyến khích người sử dụng lao động tăng cường các biện pháp cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ, cải tiến quản lý, tăng năng suất lao động, chứ không phải là kéo dài thời gian lao động và tăng cường lao động. Đó là điều quan trọng. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng, không nên sửa luật nữa bởi vì Bộ luật Lao động đã được thảo luận rất kỹ và đây chỉ là một giải pháp cấp bách, tạm thời cho nên thời gian áp dụng của nó có thời hạn nhất định.
Đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%
Theo Điều 107, Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm không quá 40h/tháng, một số ngành nghề, công việc được làm thêm từ trên 200h đến 300h/năm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 xảy ra liên tục trong 2 năm qua làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp về thực trạng hoạt động sản xuất, đặc biệt là những khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc. Vì vậy, trong dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất nâng số giờ làm thêm của người lao động lên không quá 72h/tháng và không quá 300h/năm, với tất cả các ngành nghề.
Trước đề xuất này, hiện nay vẫn còn một số quan điểm khác nhau về đề xuất mở việc áp dụng thời giờ làm thêm trong 1 năm đối với tất cả các ngành, nghề, công việc và việc nâng giới hạn về thời giờ làm thêm của người lao động trong tháng. Trên cơ sở các quan điểm khác nhau này, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150% và nghiên cứu quy định giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa (2 hoặc 3 tháng).
Để bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các đối tượng và các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác mà việc tăng mức trần thời giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu làm việc… để quy định (theo hướng loại trừ). Đồng thời đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa.
Bình luận (0)